Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Tác giả: Đăng Quý

saosaosaosaosao
Xã hội 01/03/2023 10:11

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Kế hoạch số 179/KH-TLĐ ngày 03/03/2022 về tổ chức Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.


Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ, là ngày hội của cán bộ, đoàn viên công đoàn và của tổ chức công đoàn, theo phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.

Đại hội công đoàn các cấp có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới. Quán triệt, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ đảng cùng cấp vào nghị quyết đại hội công đoàn các cấp.

Kiểm điểm vai trò lãnh đạo của tập thể ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn các cấp nhiệm kỳ qua và bầu ban chấp hành công đoàn khóa mới những cán bộ tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đề ra.

Nội dung Đại hội

Theo Kế hoạch, Đại hội công đoàn các cấp sẽ thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết công đoàn nhiệm kỳ qua; quyết định chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nhiệm kỳ tới phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới…; nghị quyết của cấp ủy đảng cùng cấp và công đoàn cấp trên vào nghị quyết đại hội công đoàn cấp mình.

Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - Ảnh 2.

Liên đoàn Lao động các ngành địa phương luôn quan tâm, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Cùng với đó là tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp; tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; bầu ban chấp hành công đoàn nhiệm kỳ mới; bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có); tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ thảo luận, thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023, trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; quyết định các chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trong nhiệm kỳ 2023-2028. Đồng thời, thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028; tổng hợp kiến nghị của đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước với Đảng, với Nhà nước về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động.

Thời gian và phương thức Đại hội

Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam được tiến hành trong năm 2023, trong đó Đại hội công đoàn cấp cơ sở được tổ chức và hoàn hành trước 31/5/2023 (những công đoàn cấp trên trực tiếp có từ 200 công đoàn cơ sở trở lên cho phép tổ chức đại hội sớm hơn, bắt đầu từ tháng 12/2022). Thời gian đại hội không quá 02 buổi.

Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tổ chức sau khi hoàn thành đại hội công đoàn cấp cơ sở và xong trước 31/7/2023. Thời gian đại hội không quá 03 buổi.

Đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện khi hoàn thành đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và xong trước 31/10/2023. Thời gian đại hội không quá 04 buổi.

Đối với Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoàn thành trước 31/12/2023, thời gian, địa điểm do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII) quyết định.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý trường hợp tổ chức công đoàn kết thúc nhiệm kỳ trước hoặc sau thời điểm tổ chức đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp mà chưa thực hiện điều chỉnh nhiệm kỳ thì công đoàn cấp triệu tập đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định điều chỉnh kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ phù hợp với thời gian ghi trong kế hoạch tổ chức đại hội của cấp đó. Thời gian kéo dài hoặc rút ngắn không quá 30 tháng.

Trường hợp tổ chức công đoàn đã điều chỉnh kéo dài nhiệm kỳ quá 30 tháng, nhưng vẫn kết thúc sớm hơn thì tổ chức đại hội tại thời điểm kết thúc nhiệm kỳ và tổ chức hội nghị đại biểu theo thời gian ghi trong kế hoạch đại hội của công đoàn cấp trên trực tiếp.

Nơi không đủ điều kiện tổ chức đại hội theo hình thức trực tiếp thì tuỳ theo tình hình thực tế ban chấp hành cấp triệu tập quyết định hình thức đại hội trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Về báo cáo chính trị trình đại hội phải đánh giá đúng, thẳng thắn, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn; vai trò, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành, ban thường vụ trong nhiệm kỳ qua; đồng thời đi sâu phân tích, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra, các nghị quyết và chương trình của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, nghị quyết, chương trình hành động của công đoàn cấp trên. Từ đó, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (chủ quan, khách quan), rút ra bài học kinh nghiệm để nhiệm kỳ mới thực hiện tốt hơn.

Phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới phải bám sát nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Nghị quyết của cấp ủy đảng; Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, của công đoàn cấp trên. Trong đó, nghiên cứu xây dựng các chương trình đột phá, chương trình hành động mang tính nhiệm kỳ để trình đại hội; hoạt động công đoàn cần tập trung vào đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, công tác phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Báo cáo tổng kết phải có các phụ lục về số liệu để minh hoạ.

Đại hội tập trung thảo luận các thách thức đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong tình hình mới, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động công đoàn, các chương trình đột phá, chương trình hành động mang tính nhiệm kỳ ở đơn vị, ngành, địa phương; bổ sung những nội dung quan trọng cần được các cấp công đoàn quan tâm giải quyết và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Việt Nam. Tham luận tại đại hội cần tham gia trực tiếp, bổ sung các vấn đề cụ thể vào các văn kiện đại hội, tránh việc báo cáo thành tích.

Tăng cường thảo luận nhóm, thảo luận tổ và khuyến khích tranh luận về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong trường hợp cần thiết khuyến khích tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, chuyên môn hoặc chính quyền đồng cấp về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Công tác chuẩn bị Đại hội

Căn cứ tình hình thực tế, công đoàn cấp trên trực tiếp cở sở trở lên thành lập một số tiểu ban chuẩn bị đại hội (không thành lập ban chỉ đạo hoặc ban tổ chức đại hội): Tiểu ban nội dung; Tiểu ban nhân sự; Tiểu ban tuyên truyền; Tiểu ban tổ chức và phục vụ đại hội; Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ (ở cấp Trung ương).

Đối với công đoàn cơ sở, tuỳ theo quy mô và điều kiện thực tế, ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội hoặc phân công cán bộ, đoàn viên thực hiện các nhiệm vụ công tác chuẩn bị đại hội.

Về cơ cấu, số lượng ban chấp hành công đoàn các cấp, Kế hoạch nêu rõ: Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có số lượng hợp lý, cơ cấu đảm bảo tính đại diện của đoàn viên theo các lĩnh vực công tác, địa bàn hoạt động, để đáp ứng yêu cầu của việc lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện kịp thời nghị quyết của công đoàn đến với đoàn viên, người lao động. Công tác chuẩn bị nhân sự thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, đúng nguyên tắc, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên ban chấp hành.

Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có 3 độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa, phát triển, bao gồm: dưới 40 tuổi, từ 40 đến dưới 50 tuổi, từ 50 tuổi trở lên; phấn đấu có tỉ lệ nữ tham gia ban chấp hành đạt từ 30% trở lên. Coi trọng cơ cấu đoàn viên ưu tú trực tiếp sản xuất, là người dân tộc thiểu số (nơi có đông đoàn viên dân tộc thiểu số), người ngoài đảng trong các thành phần kinh tế.

Đối với công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp có lập tổ công đoàn thì cần có cơ cấu đại diện cán bộ tổ công đoàn tham gia ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Việc cơ cấu nhân sự từ công đoàn ngành địa phương tham gia ban chấp hành công đoàn ngành trung ương và tương đương không vượt quá 10% tổng số ủy viên ban chấp hành công đoàn ngành trung ương và tương đương. Quá trình chuẩn bị cơ cấu nhân sự từ công đoàn ngành địa phương tham gia ban chấp hành công đoàn ngành trung ương và tương đương, ban thường vụ công đoàn ngành trung ương và tương đương phải hiệp y và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của liên đoàn lao động tỉnh, thành phố quản lý trực tiếp công đoàn ngành địa phương.

Về số lượng, ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở từ 03 đến 15 uỷ viên. Nơi có từ 3.000 đoàn viên đến dưới 30.000 đoàn viên có thể tăng thêm nhưng không quá 19 uỷ viên; công đoàn cơ sở có từ 30.000 đoàn viên trở lên không quá 27 ủy viên. Công đoàn cơ sở thành viên được bầu từ 3-15 ủy viên ban chấp hành, công đoàn bộ phận từ 3-7 ủy viên ban chấp hành. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 27 uỷ viên; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 35 uỷ viên.

Ban chấp hành liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương có dưới 100.000 đoàn viên không quá 35 uỷ viên; có từ 100.000 đoàn viên trở lên không quá 49 uỷ viên. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh và nơi có từ 30 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên không quá 55 uỷ viên.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn căn cứ số lượng đoàn viên, số lượng công đoàn cấp cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để hướng dẫn cụ thể về số lượng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra, số lượng phó chủ tịch, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp.

Công tác nhân sự đại hội công đoàn các cấp thực hiện theo hướng dẫn riêng của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Công đoàn cơ sở bầu trực tiếp chủ tịch tại đại hội thực hiện theo Hướng dẫn số 28/HD-TLĐ ngày 24/6/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Số lượng đại biểu chính thức của đại hội công đoàn các cấp do ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội quyết định. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận có từ 200 đoàn viên trở lên tổ chức đại hội đại biểu, số lượng đại biểu chính thức không quá 150 đại biểu; nơi có từ 5.000 đoàn viên trở lên không quá 200 đại biểu.

Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 200 đại biểu. Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực tiếp quản lý trên 80.000 đoàn viên hoặc trên 300 công đoàn cơ sở không quá 300 đại biểu.

Đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương trực tiếp quản lý dưới 80.000 đoàn viên thì không quá 250 đại biểu; trực tiếp quản lý từ 80.000 đoàn viên đến dưới 100.000 đoàn viên thì không quá 300 đại biểu; trực tiếp quản lý từ 100.000 đoàn viên đến dưới 300.000 đoàn viên thì không quá 400 đại biểu; trực tiếp quản lý trên 300.000 đoàn viên thì không quá 500 đại biểu.

Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội không triệu tập số lượng đại biểu chính thức thấp hơn một phần hai (1/2) số lượng đại biểu nêu tại điểm a, b, c của mục này. Trường hợp cần tăng thêm số lượng đại biểu chính thức vượt quá số lượng nêu trên thì phải được công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét đồng ý, nhưng không vượt quá 10%.

Công tác bầu cử đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên và kiểm tra tư cách đại biểu thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các quy định khác có liên quan. Lưu ý đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên được bầu theo số lượng phân bổ của công đoàn cấp triệu tập đại hội; phải là những cán bộ, đoàn viên có phẩm chất, năng lực tiêu biểu cho phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, cho trí tuệ của tập thể đoàn viên, CNVCLĐ; có khả năng lĩnh hội, đóng góp vào các nghị quyết và sự thành công của đại hội. Đồng thời, cần có cơ cấu hợp lý theo đặc điểm cụ thể của từng đơn vị, từng ngành, từng địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mũi nhọn, đoàn viên trực tiếp sản xuất, đại diện cho các thành phần kinh tế, đại biểu là nữ.

Những nơi có công đoàn cấp trên chỉ đạo trực tiếp và công đoàn cấp trên chỉ đạo phối hợp, thì được bầu 2 đoàn đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên theo phân bổ.

Số lượng đại biểu khách mời dự đại hội công đoàn các cấp không quá 20% tổng số đại biểu chính thức đại hội, trường hợp đại biểu khách mời vượt quá số lượng quy định thì phải được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.

Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quản lý trên 300 công đoàn cơ sở, tuỳ theo điều kiện có thể mời đại diện chủ tịch công đoàn cơ sở nơi không được phân bổ đại biểu dự thính trong suốt quá trình diễn ra đại hội.

Việc mời đại biểu công đoàn quốc tế và đại biểu công đoàn các nước dự Đại hội Công đoàn Việt Nam, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định. Đối với đại hội công đoàn các cấp, nếu mời đại biểu công đoàn các nước dự, phải được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Nguồn kinh phí tổ chức đại hội công đoàn các cấp được sử dụng từ nguồn tài chính công đoàn, từ nguồn hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn, các tổ chức, doanh nghiệp, với tinh thần thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Căn cứ quy định hiện hành, tổ chức công đoàn lập dự toán tổng thể kinh phí chi đại hội trình công đoàn cấp trên phê duyệt. Chế độ chi đại hội công đoàn từ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên do Tổng Liên đoàn hướng dẫn. Chi đại hội công đoàn cấp cơ sở do ban chấp hành công đoàn cấp cơ sở quyết định.

Quá trình chuẩn bị đại hội, ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp phải báo cáo cấp ủy đảng (nơi có tổ chức đảng) và công đoàn cấp trên trực tiếp; tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn; đồng thời, đề nghị chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động có sự phối hợp để giải đáp kiến nghị của đoàn viên, của đại biểu tại đại hội công đoàn các cấp. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng cùng cấp và công đoàn cấp trên trong việc chỉ đạo đại hội công đoàn cấp cơ sở ngoài khu vực Nhà nước nơi không có tổ chức cơ sở đảng.

Các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch của Tổng Liên đoàn về đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; báo cáo cấp ủy đảng cùng cấp để xây dựng kế hoạch đại hội của cấp mình; hướng dẫn tổ chức đại hội công đoàn cấp cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Coi trọng chất lượng, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức; đồng thời báo cáo kết quả tổ chức đại hội công đoàn các cấp về Tổng Liên đoàn theo tiến độ kế hoạch.

Việc chỉ đạo đại hội điểm phải được thực hiện trước, nhưng tối đa không sớm trước 03 tháng so với thời gian kết thúc đại hội của cấp dưới trực tiếp, để có thời gian rút kinh nghiệm cho việc chuẩn bị và tổ chức đại hội ở các công đoàn khác được tốt hơn; mỗi liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn được lựa chọn không quá 03 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 05 công đoàn cấp cơ sở để tổ chức đại hội điểm.

(Nguồn: congdoan.vn)

Ý kiến của bạn

Bình luận