Theo đó, trong một thời gian ngắn, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu EPC đã xảy ra 02 sự cố tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt là sự cố xảy ra vào lúc 4h00 ngày 28/12/2014 đã làm hư hỏng, thiệt hại về tài sản, uy hiếp tính mạng của người lao động và người dân trong khu vực. Các sự cố nêu trên đã phản ánh bản chất thiếu năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của Tổng thầu EPC. Hơn nữa, Tổng thầu EPC đã thiếu tinh thần trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng khi chưa có biện pháp đảm bảo an toàn lao động, gây ra tâm lý lo sợ, bất an cho người dân mỗi khi phải lưu thông gần khu vực công trình.
Bộ Giao thông vận tải khẳng định Tổng thầu EPC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ các sự cố nêu trên, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo Tổng thầu EPC đã không hoàn thành trách nhiệm theo quy định của Hợp đồng. Bộ Giao thông vận tải giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đưa Tổng thầu vào danh sách các nhà thầu có lịch sử xấu để từ chối lựa chọn dự thầu các công trình tiếp theo của Bộ Giao thông vận tải trong những năm tới.
Để khắc phục triệt để nguy cơ mất an toàn lao động, không lặp lại các sự cố tương tự xảy ra trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng thầu EPC tiến hành rà soát các hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; biện pháp tổ chức thi công; biện pháp đảm bảo an toàn lao động; biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên công trường; kiểm toán lại khả năng chịu lực của các hệ thống đà giáo phục vụ thi công trên cao. Chỉ được thi công khi các biện pháp an toàn đã được kiểm soát tuyệt đối.
Tổng thầu EPC báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án Đường sắt về kế hoạch thi công chi tiết từng mũi và các hồ sơ nêu tại mục 1, cùng với danh sách nhân sự bố trí cho từng mũi thi công, chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của người chỉ huy trưởng công trường, người phụ trách an toàn lao động, an toàn giao thông và công nhân lao động, tuân thủ nghiêm ngặt các nội quy an toàn lao động trên công trường.
Bên cạnh đó, Tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm chính trước các hồ sơ thiết kế và các biện pháp tổ chức thi công ở công trường. Ban Quản lý dự án Đường sắt thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nếu một trong các biện pháp nêu trên chưa đảm bảo an toàn thì kịp thời yêu cầu Tổng thầu EPC xử lý an toàn mới được thi công. Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng thầu EPC chỉ tổ chức thi công trên cao khi công trường đã được cô lập, không có người, phương tiện lưu thông ở bên dưới và các biện pháp phòng ngừa khác khi cẩu lắp cấu kiện, vật liệu có thể vượt qua khỏi phạm vi đã được cô lập. Trong quá trình thi công, phải bố trí người cảnh giới, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện lưu thông gần khu vực công trường.
“Yêu cầu Tổng thầu EPC nghiêm túc đánh giá thực trạng các tổ chức và cá nhân tư vấn, nhà thầu phụ đang thực hiện Dự án thuộc phạm vi Tổng thầu EPC lựa chọn; thay thế các tổ chức, cá nhân hạn chế năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn bằng các tổ chức, cá nhân khác có năng lực hơn để triệt để khắc phục các tồn tại, yếu kém của Tổng thầu EPC. Riêng nhà thầu tư vấn giám sát do Ban Quản lý dự án Đường sắt chịu trách nhiệm đánh giá, đề xuất. Tổng thầu EPC phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do các sự cố xảy ra vừa qua, bao gồm: vật tư, tài sản của công trình phải bỏ đi, làm lại; tài sản và sức khỏe của người dân có liên quan, hoàn thành trước ngày 15/01/2015” – Công văn nêu rõ.
Một lần nữa, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng thầu EPC nghiêm túc kiểm điểm tư cách, tính chuyên nghiệp của một nhà thầu quốc tế để thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Tổng thầu EPC tại Dự án này.
Theo mt.gov.vn
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.