Cụm từ "nhân viên bán hàng số 1 của nước Mỹ" được gắn cho ông Obama từ đầu năm 2013, qua những quan sát ảnh hưởng thị trường từ những quyết định chính sách của Obama trong lòng nước Mỹ.
Trong chuyến thăm Việt Nam, các nhà quan sát bình luận, ông cũng chứng tỏ là nhân viên bán hàng số một, không chỉ giới hạn trong biên giới nước Mỹ.
100 chiếc máy bay Boeing trị giá 11,3 tỷ USD
Ngay ngày đầu tiên ở Hà Nội, Tổng thống Obama đã chứng kiến Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD.
Theo đó, 100 máy bay B737 MAX 200 đã được phía Việt Nam đặt hàng Boeing, và sẽ được giao cho đối tác Việt Nam trong thời gian từ 2019 đến 2023.
GE phát triển 1.000 MW điện gió tại Việt Nam
Cũng trong buổi sáng, ông Obama đã chứng kiến tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ và Bộ Công Thương Việt Nam ký ghi nhớ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Theo đó, GE sẽ phát triển 1.000 megawatt từ các dự án điện gió, đủ cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân tại Việt Nam vào năm 2025.
Ngoài ra, theo ông Jeffrey R. Immelt, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của GE, hãng này muốn được hợp tác trên cả các lĩnh vực khác như điện khí hóa, y tế và hàng không tại Việt Nam.
18 tàu tuần tra Metal Shark và 12 triệu USD thiết bị và dịch vụ?
Metal Shark 45 Defiant là loại tàu tuần tra vỏ nhôm một thân. Con số 45 trong số hiệu là chiều dài 45 feet, tương đương 13,7 m. Trong khi đó, chiều ngang tàu là 15 feet, tương đương 4,6 m. Tốc độ tối đa của tàu đạt trên 70 km/h. |
Chiều tối cùng ngày, Nhà Trắng cho hay Mỹ cũng sẽ cung cấp 18 tàu tuần tra Metal Shark cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Số tàu này nằm trong chương trình hỗ trợ quân sự nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ tài khoá 2014 và Sáng kiến an ninh hàng hải và hợp tác giảm thiểu đe doạ của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Công ty đóng tàu Metal Shark Aluminum Boats ở Jeanerette, bang Louisiana là nơi nhận hợp đồng đóng 18 tàu tuần tra cao tốc loại Defiant 45 này. Hãng Metal Shark cho biết đây là loại tàu được thiết kế đặc biệt cho quân đội, lực lượng thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh cảng, hoa tiêu, cứu hộ và nhiều nhiệm vụ khác.
Ngoài ra, tờ Los Angeles Times của Mỹ đưa tin, khoảng 12 triệu USD sẽ được phía Việt Nam chi trong năm nay để mua các tàu tuần tra cỡ nhỏ, các thiết bị thông tin liên lạc và đào tạo tiếng Anh cho thủy thủ.
Mở rộng thị trường vũ khí nhờ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận
Trong khi đó, Reuters dẫn lời nhận định của giới phân tích, rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Việt Nam hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2011-2015 tăng gần 700% so với giai đoạn 2006-2010.
Ông Mark Bobbi, chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh tại tổ chức tư vấn IHS (Mỹ) nhận định Việt Nam có thể có các đơn hàng vũ khí đầu tiên với Mỹ trong năm 2016.
Một số mặt hàng tiềm năng, theo ông Bobbi, bao gồm các máy bay tuần tra biển, như phi cơ trinh sát săn ngầm P-3C đã qua sử dụng của Lockheed, và các máy bay tiếp dầu trên không mới KC-46 của Boeing hoặc A330 MRT của Airbus.
Các chiến đấu cơ hiện đại như F-16 của Lockheed hay F/A-18 Super Hornet của Boeing, các mẫu trực thăng của Boeing và công ty Sikorsky (trực thuộc tập đoàn Lockheed) và các loại vũ khí dẫn đường chính xác cao của Raytheon và Boeing, cũng là một khả năng. Ngoài ra còn các tàu chiến đấu trên biển, phục vụ việc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.
Tuy nhiên, việc nước Mỹ có bán được cho Việt Nam hay không, với số lượng bao nhiêu, và vào thời điểm nào vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Nó phụ thuộc trước hết vào mong muốn của phía Việt Nam và cả sự đồng ý của Quốc hội Mỹ.
Đầu năm 2016, báo giới Mỹ đồng loạt bình luận về sự tăng vọt về số lượng vũ khí được bán ra tại thị trường nước này mà theo đó, ông Obama được gọi là nhân viên bán hàng số 1 theo lời Brian W. Ruttenbur, chuyên gia phân tích tại công ty dịch vụ tài chính BB&T.
Bình luận này xuất phát từ thực tế số súng được bán ra tại thị trường Mỹ tháng 12/2015 cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong 2 thập kỷ trước đó. Và người chịu trách nhiệm chính cho sự bùng nổ của thị trường này chính là Tổng thống Obama với lời kêu gọi kiểm soát chặt việc mua bán súng ở Mỹ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.