Tổng thống Pháp hủy thăm Ba Lan sau thương vụ 50 trực thăng đổ bể

Chính trị 11/10/2016 04:36

Chính phủ Ba Lan đã chính thức gửi thư đến hãng chế tạo máy bay Airbus, khẳng định hủy các cuộc thương lượng mua 50 máy bay trực thăng Caracal.

000_bo3fx_0_bgyk

Hai trực thăng Caracal của tập đoàn Airbus trong một cuộc tập trận tháng 6/2016. T. PAUDELEUX / SIRPA / AFP

Hôm 7/10/2016, chính phủ Ba Lan đã chính thức gửi thư đến hãng chế tạo máy bay Airbus, khẳng định hủy các cuộc thương lượng mua 50 máy bay trực thăng Caracal, của tập đoàn chế tạo. Ngay lập tức Paris đã có phản ứng, tổng thống Pháp François Hollande quyết định hoãn chuyến công du Ba Lan dự kiến vào ngày 13/10 tới, RFI đưa tin.

Theo tường thuật của RFI, bị Paris tố cáo là không có ý định chấp nhận gói thầu mà mà hãng Airbus đã thắng, chính phủ Ba Lan đã phản công lại. Bộ Quốc phòng Ba Lan đã ra thông cáo, tuyên bố rằng hợp đồng đã bị vỡ là do lỗi của nhà chế tạo Pháp. Cơ quan này thậm chí cho rằng chính Ba Lan mới phải là bên bị thiệt, vì Airbus đã từ chối giao cho Ba Lan đầy đủ những khoản bồi hoàn công nghiệp.

Sau thông báo hoãn chuyến công du của tổng thống Pháp François Hollande tới Vacxava, lãnh đạo ngành ngoại giao Ba Lan cố đấu dịu. Ngoại trưởng Witold Waszczykowski khẳng định trong một thông cáo rằng ông tin tưởng việc chấm dứt đàm phán ( hợp đồng mua trực thăng ) sẽ không ảnh hưởng đến toàn cục hợp tác với Pháp.

Phe đối lập Ba Lan đánh giá thái độ của chính phủ bảo thủ là kỳ quặc. Với bà cựu thủ tướng Ewa Kopacz, đây chỉ là một trò tráo trở để tiết kiệm vài tỉ euro dành chi phi cho những hứa hẹn bầu cử mang tính dân túy. Theo bà Kopacz, thái độ đó sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với Ba Lan ngay trước mắt.

Sự vụ bắt đầu từ các đây hơn một năm, tháng Tư năm 2015, trực thăng Caracal Airbus đã thắng trước các đối thủ Ý và Mỹ trong một cuộc gọi thầu của Ba Lan dự định mua 50 chiếc trực thăng quân sự. Chính quyền Ba Lan khi đó thừa nhận trực thăng Caracal đáp ứng được các giải pháp tốt nhất về kỹ thuật và kinh tế.

Airbus đã đề xuất đầu tư trở lại cho công nghiệp Ba Lan bằng 100% giá trị hợp đồng. Đối tác Ba Lan, tập đoàn Nhà nước PGZ, sẽ sản xuất các chi tiết thiết bị của trực thăng Caracal và tiến tới chế tạo trực thăng cùng phối hợp xuất khẩu sản phẩm. Ba Lan có thể tạo được hàng nghìn công ăn việc làm với hợp đồng này.

Tuy nhiên tháng 10/2015, chính phủ Ba Lan thay đổi với chiến thắng của đảng Luật Pháp và Công Lý. Vacxava đã kéo dài các cuộc thương lượng về chuyển giao công nghệ, đòi Airbus phải tạo thêm các dự án công nghiệp và cuối cùng là họ đi đến quyết định hủy thương lượng.

Ý kiến của bạn

Bình luận