Tổng thống Trump trình làng kế hoạch cải tổ thuế lớn nhất 3 thập kỷ

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 28/09/2017 17:02

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 27/9 đã công bố kế hoạch cải tổ thuế lớn nhất của Mỹ trong vòng 3 thập kỷ trở lại

1-3c7a4_euxy

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại bang Indianapolis ngày 27/9 - Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin Reuters, ông Trump nói rằng chương trình cải tổ thuế của ông nhằm mục đích hỗ trợ tầng lớp lao động, tạo công ăn việc làm, và đưa luật thuế Mỹ trở nên đơn giản, bình đẳng hơn. Giới phân tích dự báo kế hoạch này của vị Tổng thống Cộng hòa sẽ gặp nhiều khó khăn ở Quốc hội Mỹ, nơi đảng của ông đang ở trong tình trạng chia rẽ nội bộ sâu sắc và đối đầu gia tăng với Đảng Dân chủ.

“Đợt giảm thuế lịch sử”

Kế hoạch mà Nhà Trắng trình bày bao gồm hạ thấp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, hạ mức thuế suất thu nhập cá nhân tối đa, và xóa bỏ một số chính sách miễn giảm thuế được sử dụng rộng rãi - bao gồm những chính sách có lợi cho người dân ở những bang có thuế suất cao thân với Đảng Dân chủ.

Là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa các trợ lý của ông Trump và các thủ lĩnh Cộng hòa trong Quốc hội, kế hoạch này còn thiếu chi tiết về biện pháp để tránh tăng thâm hụt ngân sách do việc giảm thuế gây ra. Theo quy trình, kế hoạch này phải được viết thành một dự luật chi tiết bởi các ủy ban viết luật thuế trong Quốc hội Mỹ.

Phát biểu tại một sự kiện ở bang Indianapolis, ông Trump gọi kế hoạch của ông là cuộc giảm thuế lớn nhất trong lịch sử Mỹ và là “đợt giảm thuế lịch sử đối với người Mỹ”. “Đây là cơ hội cả đời người mới có một lần. Chúng tôi muốn có những cải cách thuế hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ việc làm, giúp ích cho người lao động, tốt cho các gia đình, và một chương trình cải cách thuế thân thiện với người Mỹ”, ông nói.

Khi còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, bên cạnh nhiều cam kết khác, ông Trump đã hứa sẽ mạnh tay cắt giảm thuế nếu đắc cử. Tuy nhiên, kể từ khi ông lên cầm quyền vào tháng 1 năm nay, Đảng Cộng hòa của ông - dù kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn lưỡng viện Quốc hội - vẫn chưa thông qua được một dự luật lớn nào.

Ưu tiên lập pháp lớn nhất của Đảng Cộng hòa là cải tổ hệ thống y tế Mỹ đã một lần nữa thất bại tại Thượng viện vào ngày thứ Ba tuần này. Trong khi đó, một chủ trương lớn khác của ông Trump là tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng vẫn chưa có bước tiến nào rõ rệt.

Suốt ba thập kỷ qua, luật thuế của Mỹ chưa trải qua một cuộc cải cách toàn diện nào. Lần gần đây nhất nước này thông qua một luật thuế mới là vào năm 1986.

Mối lo thâm hụt ngân sách

Theo đề xuất cải cách thuế được Nhà Trắng công bố, phần thu nhập là đối tượng bị đánh thuế của các gia đình trung lưu Mỹ sẽ giảm xuống. Theo đó, phần thu nhập 12.000 USD đầu tiên của cá nhân và 24.000 USD đầu tiên của cặp vợ chồng sẽ được miễn thuế.

Thuế suất thu nhập cá nhân tối đa sẽ giảm còn 35% từ 39,6% hiện nay. Ngoài ra, thuế suất thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm về 20%, từ mức 35% hiện tại, nhưng vẫn chưa thấp như mức 15% mà ông Trump mong muốn.

“Theo kế hoạch này, thì những người Mỹ giàu nhất và những công ty giàu nhất sẽ vớ bẫm, còn tầng lớp trung lưu có tiếng mà chẳng có miếng”, ông Chuck Schumer, nhân vật cấp cao nhất của Đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ, phát biểu.

Đảng Cộng hòa chiếm đa số mong manh 52-48 ghế trong Thượng viện, nên vẫn cần sự ủng hộ của một số nghị sỹ Dân chủ để thông qua các dự luật. Tuy nhiên, phe Dân chủ nói rằng kế hoạch cải cách thuế sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang để mang lại lợi ích cho người giàu thay vì tầng lớp trung lưu.

“Nếu chương trình này là vì tầng lớp trung lưu, thì cao tốc Trump Tower chính là ngôi nhà của người trung lưu”, thượng nghị sỹ Ron Wyden, nhân vật cấp cao nhất của Đảng Dân chủ thuộc  Ủy ban Tài chính Thượng viện, chỉ trích.

Nhà Trắng và phe Cộng hòa không đưa ra con số ước tính về chi phí của kế hoạch cải tổ thuế hay mức thâm hụt ngân sách mà kế hoạch gây ra. Tuy nhiên, theo một số ước tính, kế hoạch này sẽ khiến nguồn thu thuế của Chính phủ Mỹ giảm 5,8 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ, và có mức chi phí ròng 2,2 nghìn tỷ USD trong thời gian đến năm 2027.

Giới phân tích đã cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế mạnh tay sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ phình to nếu mức tăng trưởng kinh tế mà Đảng Cộng hòa kỳ vọng đạt được để bù đắp không trở thành sự thật trong bối cảnh lãi suất tăng.

Ý kiến của bạn

Bình luận