Tổng vốn tuyến tàu điện Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo tăng lên 51.700 tỷ đồng

Thị trường 22/11/2015 06:57

DA đường sắt đường sắt đô thị số 2 HN (Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo) đang dừng triển khai do phải thẩm tra vốn đầu tư lên tới 51.700 tỷ đồng.


Tại cuộc họp Bộ Giao thông Vận tải chiều 19/11, ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết dự án đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang bị dừng triển khai để thẩm tra tổng mức đầu tư điều chỉnh, hiện nay vẫn chưa có kế hoạch khởi công.

Dự án được duyệt năm 2008 có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng (tương đương 131 tỷ Yên), mặc dù đến nay chưa triển khai song dự án này phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên đến 51.700 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đã rà soát tổng mức đầu tư và trình phê duyệt từ tháng 12/2013, đến nay vẫn chờ Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định.

duong-sat
Quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.

"Bộ Kế hoạch Đầu tư đã thuê một công ty tư vấn của Anh thẩm tra dự án, trước tháng 4/2016 sẽ có báo cáo. Chúng tôi kiến nghị thẩm tra nhanh để tiếp tục triển khai dự án", ông Nguyễn Quang Mạnh nói.

Không chỉ có tuyến số 2 điều chỉnh tổng mức đầu tư với số vốn "khủng", dự án đường sắt đô thị số 3 (Nhổn- ga Hà Nội) đang triển khai cũng đã tăng gần 400 triệu Euro vốn đầu tư. Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, dự án này dự kiến ban đầu có tổng đầu tư 783 triệu Euro, sau qua trình thực hiện đã phải điều chỉnh lên 1.176 triệu Euro. 

Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang ký kết bổ sung hiệp định vốn vay với các nhà tài trợ AFP và AIB. Nếu hoàn thành việc ký kết với 4 nhà tài trợ thì nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ đảm bảo. Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan cũng đang phải giải trình trước Chính phủ về việc tăng tổng mức đầu tư của dự án này. 

Tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, trong đó có 8,5km đi ngầm, 3km đi trên cao. Bao gồm 7 ga đi ngầm và 3 ga trên cao, ngoài ra còn có một trạm bảo dưỡng, sửa chữa tại xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Tuyến bắt đầu từ Nam Thăng Long (khu đô thị mới Ciputra) đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.

Tổng mức đầu tư duyệt năm 2008 là 19.555 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Nhật Bản là 16.485 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 3.079 tỷ đồng. Theo tiến độ cũ, tuyến tàu điện sẽ khai thác năm 2017 với 4 toa và tăng lên 6 toa giai đoạn đầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận