Takata bị Toyota "thất sủng" |
Hệ quả hiển nhiên sau bê bối túi khí của Takata đó là các hãng túi khí nhỏ có cơ hội "ngoi lên". Bằng chứng là mới đây nhất, hãng xe lớn nhất thế giới Toyota đã quyết định “cạch mặt” hãng túi khí lớn nhất thế giới Takata và chuyển sang mua hàng triệu thiết bị bơm túi khí từ một nhà sản xuất nhỏ có tên Nippon Kayaku.
Tháng trước, Toyota đã thoả thuận với Nippon về việc tăng sản lượng để cung cấp hơn 13 triệu bơm cho các xe của hãng, kể từ tháng 7/2016 đến năm 2020.
Toyota là hãng xe đầu tiên có động thái mạnh mẽ đến vậy trước bê bối túi khí nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô. Tính từ 2008 đến nay, hơn 10 hãng xe đã phải thu hồi tổng cộng 10 triệu phương tiện để thay thế túi khí Takata - nguyên nhân gây ra cái chết của 8 người và gây thương tích cho hơn 100 người. Riêng Toyota đã thu hồi hơn 12 triệu xe. Mặc dù vậy, nhiều nhà sản xuất xe vẫn đặt niềm tin vào sản phẩm của Takata, trong hãng túi khí này vẫn một mực trung thành với amoni nitrat - một hoá chất có trong túi khí, bị cho là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nổ túi khí.
Túi khí của Takata có thể phát nổ với lực rất lớn, bắn ra hàng trăm mảnh kim loại “sắc như dao cạo” vào người tài xế. Lo sợ nguy cơ nổ túi khí càng gia tăng khi tuổi thọ của xe giảm dần theo thời gian, Toyota quyết định chuyển sang Nippon Kayaku. Ước tính, Toyota sẽ tốn khoảng 100 - 150 triệu USD cho thương vụ mới này.
Đây cũng được cho là bước đi chiến lược của Toyota trong cuộc cạnh tranh gay cấn, giành danh hiệu hãng xe lớn nhất thế giới giữa hãng và Volkswagen. Vừa qua, Toyota đã bị Volkswagen vượt mặt trong sản lượng xe nên hãng xe Nhật Bản quyết tâm triệt tiêu hết các nguy cơ tiềm ẩn trên xe, nhằm chinh phục lại trái tim người tiêu dùng.
Mặc dù thương thảo với Nippon nhưng Toyota vẫn khẳng định hãng vẫn sẽ "không làm bất cứ điều gì tổn hại đến Takata.”
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.