TP. Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh và bền vững

Tác giả: Hoàng Ngân

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 22/11/2023 15:29

Sáng 22/11, Trường Đại học GTVT, Ngân hàng Thế giới và Sở GTVT TP. Hà Nội tổ chức Tọa đàm Hướng tới hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững.


TP. Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh và bền vững- Ảnh 1.

Tọa đàm là dịp tập hợp các ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để phát triển hệ thống giao thông thông minh

Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước, hệ thống GTVT được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Thời gian qua, TP. Hà Nội luôn rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông sao cho đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của tất cả các đô thị trên thế giới. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Sở GTVT TP. Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong Thành phố thông minh.

TP. Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh và bền vững- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội phát biểu tại Toạ đàm

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội hiện nay, có 1,1 triệu ô tô, 6,7 triệu xe máy, tổng khoảng 8 triệu phương tiện. Mỗi năm, Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%, tổng phương tiện tăng khoảng 4%. Thời gian qua, Thành phố rất quan tâm dành nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, diện tích đất dành cho giao thông chỉ đạt 12% và 1,5% diện tích đường cho 1km2, cả hai con số này mới chỉ đạt được một nửa so với yêu cầu. Với định hướng kiên định, kiên trì và xuyên suốt của TP. Hà Nội là phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm sản lượng của xe buýt sụt giảm nghiêm trọng. Về tổ chức giao thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác triển khai hệ thống giao thông thông minh và bền vững.

Thời gian qua, Sở GTVT TP. Hà Nội đã lựa chọn Trường Đại học GTVT là đơn vị tư vấn: "Xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội". Đề án nhằm đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, công nghệ và đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô Hà Nội an toàn, thông minh, hiện đại, bền vững.

TP. Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh và bền vững- Ảnh 3.

GS. TS. Lê Hùng Lân phát biểu tại Toạ đàm

GS. TS. Lê Hùng Lân, Trường Đại học GTVT cho rằng, thách thức của giao thông Hà Nội hiện nay là ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm, các đơn vị quản lý điều hành độc lập, dữ liệu rời rạc… Do đó, bài toán đặt ra với giao thông Hà Nội cần hướng tới hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân và giải quyết bài toán môi trường. Phát triển hệ thống giao thông thông minh, bền vững, với đặc thù là xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông minh và hạ tầng công nghệ, thông tin thông minh với 3 nhiệm vụ chiến lược là tăng cường thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phát triển hạ tầng về hệ thống giao thông thông minh.

Nhiệm vụ chính ở đây như xây dựng bản đồ thông minh để cung cấp thông tin, xây dựng thông tin điều khiển đối với đèn tín hiệu, thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin, lắp đặt hệ thống camera cảm biến. Để thực hiện được điều đó cần có lộ trình cụ thể với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 kiện toàn xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông Thành phố, kết nối nguồn dữ liệu, vé liên thông giữa các loại hình vận tải công cộng. Giai đoạn 2 hình thành hệ thống ITS, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp, đổi mới phương thức quản lý, phát triển ứng dụng ITS cơ bản, đầu tư, lắp đặt hệ thống ngoại vi và thu phí nội đô. Giai đoạn 3 sẽ tập trung vào phát triển bền vững; trong đó, cần vận hành và khai thác hiệu quả, tăng cường ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số và thu phí nội đô giai đoạn 2. Về cơ chế chính sách cần đặc biệt quan tâm như tạo cơ chế khuyến khích hợp tác công - tư trong xây dựng, vận hành cấu phần của hệ thống giao thông thông minh; khuyến khích hoạt động đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển hệ thống giao thông thông minh, GS. TS. Lê Hùng Lân nhấn mạnh.

TP. Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh và bền vững- Ảnh 4.

Tại Tòa đàm nhiều giải pháp hay được đề xuất, hiến kế cho giao thông thông minh của Hà Nội

Tọa đàm là dịp tập hợp các ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các nhiệm vụ đã thực hiện của đề án "Xây dựng đề án giao thông thông minh và hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững", với các nội dung trao đổi, thảo luận như: Thực trạng hệ thống quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội, nhu cầu phát triển hệ thống giao thông thông minh thành phố; Đề xuất khung kiến trúc hệ thống giao thông thông minh TP. Hà Nội; Đề xuất cơ chế, chính sách kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị tham gia quản lý, điều hành giao thông vận tải thành phố; Đề xuất các dự án phục vụ phát triển hệ thống giao thông thông minh thành phố.