TP. HCM: Gắn camera cho xe buýt chống móc túi, quấy rối tình dục

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/08/2016 10:23

Trước tình trạng sản lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đang giảm sút, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng phục vụ, thay mới phương tiện… để xe buýt trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân hơn.

IMG_3104
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Trung tâm VTHKCC TP. Hồ Chí Minh, khối lượng vận chuyển trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 268,4 triệu lượt (giảm 1,85% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, không chỉ riêng khối lượng xe buýt không trợ giá giảm 10,85% mà cả khối lượng xe buýt có trợ giá cũng giảm đến 9,69% so với năm trước đó.

Trước tình trạng sản lượng xe buýt giảm sâu qua từng năm, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung tâm VTHKCC Thành phố triển khai nhiều nội dung để nâng cao chất lượng xe buýt trong những năm tiếp theo. Cụ thể, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã lập đề án chuyển đổi mạnh mẽ xe buýt từ sử dụng nhiên liệu diesel sang dùng nhiên liệu sạch CNG (khoảng 300 chiếc) thân thiện với môi trường; thay mới các phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên, tài xế… và đặc biệt là việc lắp đặt camera cho hơn 2.700 xe buýt.

Ông Đậu An Phúc - Giám đốc Trung tâm VTHKCC TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai lắp đặt camera cho các tuyến xe buýt được thực hiện từ cuối năm 2015. Tính đến nay đã có hơn 1.000 xe buýt được lắp đặt, trong đó các tuyến xe buýt mới như tuyến số 100 đi Củ Chi, tuyến số 51 từ bến xe Miền Đông đi Bình Hưng Hòa… đều được đầu tư trang, thiết bị tốt nhất và lắp đặt hệ thống camera hiện đại. Các tuyến xe buýt khác trên địa bàn như 53, 33, 150, 23, 60… đều được lắp đặt camera.

Theo đó, mỗi xe buýt sẽ được trang bị 4 hệ thống camera, trong đó 2 camera lắp bên trong xe để kiểm soát hoạt động của tài xế, nhân viên lái xe. Đặc biệt, việc lắp đặt camera bên trong sẽ kiểm soát được hành vi của khách đi trên xe, qua đó phát hiện các đối tượng cướp giật, móc túi cũng như tình trạng quấy rối tình dục trên xe. 2 camera được đặt phía đầu và đuôi xe. Cả 2 camera này có nhiệm vụ là thiết bị giám sát hành trình, quản lý lộ trình, thời gian di chuyển của xe. Thông qua hệ thống camera này, Trung tâm sẽ biết được tuyến đường nào đang xảy ra ùn tắc, kẹt xe để thông báo cho tài xế cũng như các tuyến, sau đó lựa chọn lộ trình thích hợp.

Việc lắp đặt hệ thống camera này được triển khai tốt nhất tại Hợp tác xã 19/5 (Hợp tác xã này hiện nay đang quản lý 476 xe buýt các loại, bao gồm 23 tuyến hoạt động có trợ giá và không trợ giá), trong đó có các tuyến xe buýt trọng điểm có lượng hành khách thường xuyên sử dụng như: Tuyến 33 An Sương - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tuyến 150 Chợ Lớn - Tân Vạn, tuyến 24 Hóc Môn - bến xe Miền Đông… Thời gian qua, Hợp tác xã này đã tiến hành lắp đặt camera trên 7 tuyến xe buýt, bao gồm các tuyến: 33, 60, 150, 23…, từ nay đến cuối năm 2016 sẽ tiến hành lắp đặt các tuyến còn lại.

Theo phản hồi từ doanh nghiệp, việc lắp đặt camera sẽ quan sát được phía trước và trong xe nên tất cả những hoạt động của lái xe, nhân viên và hành khách trên xe đều được giám sát. Vì vậy, chất lượng phục vụ của lái xe, nhân viên được cải thiện tốt hơn so với trước đây. Từ khi xe buýt được gắn camera giám sát, TP. Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể tình trạng xe buýt bỏ trạm không đón khách, không cho hành khách xuống trạm theo yêu cầu; giảm tình trạng xe buýt chạy ẩu, chạy nhanh, giành đường của những phương tiện khác, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; giảm các hành vi tội phạm móc túi, trộm cắp trên xe, từ đó tạo cho hành khách sự an tâm, hài lòng hơn khi đi xe buýt.

Cũng theo ông Phúc, việc lắp đặt camera cho các tuyến xe buýt không chỉ thực hiện chức năng nâng cao dịch vụ vận tải hành khách, đẩy lùi các tệ nạn xã hội mà còn thể hiện mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành, giúp hệ thống giao thông của Thành phố được cải thiện, giảm tình trạng ùn tắc kéo dài.

Ý kiến của bạn

Bình luận