Người dân chưa quen cách trả phí đỗ ôtô dưới lòng đường theo giờ. Ảnh: Hữu Nguyên. |
Sau hai tháng triển khai thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm nhìn nhận hiệu quả chưa cao. Theo tính toán, thành phố sẽ thu được khoảng 400 triệu đồng mỗi ngày, nhưng thực tế chỉ được 6-7 triệu (đạt khoảng 2%).
Bốn nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: người dân chưa quen hình thức thu phí đỗ ôtô qua thiết bị công nghệ; chi phí đỗ xe theo giờ cao, bởi trước đây chỉ cần 5.000 đồng người dân có thể đỗ xe cả ngày; nhân viên thu phí thiếu, chưa nhuần nhuyễn công việc, chỉ làm việc theo giờ hành chính; công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu, người dân chủ yếu nhắn tin chứ chưa sử dụng phần mềm My Parking trên điện thoại thông minh, trong khi việc nhắn tin chỉ thực hiện được ở mạng Viettel và Vietnammobile.
"Thành phố không đặt nặng vấn đề thu được bao nhiêu tiền, trước mắt cần tạo cho người dân thói quen sử dụng hạ tầng. Hiệu quả nhìn thấy là 23 tuyến đường có thu phí đã thông thoáng hơn - gián tiếp hạn chế giao thông cá nhân trong xu hướng phát triển giao thông công cộng", ông Lâm nói.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông vận tải sẽ nâng cấp công nghệ, tiếp nhận thêm các mạng di động khác.
Hình ảnh từ 263 camera đã được lắp trên 23 tuyến đường sẽ được truyền về cơ quan chức năng và các quận huyện. Việc thu phí sẽ được giao cho lực lượng TNXP để có cơ chế phản ứng nhanh, phạt nguội... các trường hợp vi phạm.
Hiện, việc dừng, đỗ xe trái phép (không dừng trong ô đã được kẻ trên đường) thì do thanh tra giao thông, hoặc CSGT xử lý. Nhưng nếu tài xế đỗ xe vào ô mà không thanh toán phí lại thuộc trách nhiệm của quận huyện. Vì vậy, Sở Giao thông sẽ có cơ chế phối hợp, phân công cụ thể về vai trò của các quận huyện, phường xã.
Từ tháng 8, TP HCM triển khai thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường 23 tuyến ở khu vực trung tâm. Trong đó, quận 1 có 13 tuyến, quận 5 có 4 tuyến, còn lại là ở quận 10. Mức phí tăng ít nhất 20.000-30.000 đồng mỗi giờ cho mỗi lượt xe, thay vì chỉ 5.000 đồng như trước.
Những phương tiện được phép đỗ tại các tuyến đường này là ôtô từ 16 chỗ trở xuống hoặc xe tải 1,5-2,5 tấn. Việc thu phí thông qua hình thức công nghệ mới. Người có nhu cầu gửi xe phải sử dụng ứng dụng My Parking trên điện thoại thông minh.
Trong quá trình thực hiện, Sở Giao thông Vận tải là cơ quan đầu mối, Viettel TP HCM là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí. Công ty này cũng có chức năng quản lý giám sát, điều hành việc thu phí cho đến khi thành phố hoàn tất công tác đấu thầu dịch vụ thu phí - dự kiến đầu năm sau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.