TP HCM lập tổ công tác giải quyết các dự án giao thông trọng điểm

Thị trường 28/03/2019 14:46

Tổ công tác liên ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, do Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đứng đầu.

 

metro-Sai-Gon-1-1126-154588816-1386-5106-155366022
Bên trong Metro Số 1, đoạn ngầm tại trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Hữu Khoa.

UBND TP HCM vừa lập tổ công tác liên ngành thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên cơ sở sáp nhập, kiện toàn Ban chỉ đạo các tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Nhiệm vụ là giải quyết các vấn đề xảy ra khi triển khai các dự án, giúp thành phố quản lý lĩnh vực chuyên ngành và thực hiện một số việc theo sự ủy quyền của UBND thành phố.

Tổ công tác gồm 22 thành viên, do Phó chủ tịch chuyên trách đô thị Trần Vĩnh Tuyến đứng đầu, cũng được giao nghiên cứu các dự án để đàm phán và ký kết hiệp định vay vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ, giúp UBND thành phố có phương án tối ưu về kỹ thuật của các tuyến Metro.

Ngoài ra, tổ cũng giúp chính quyền thành phố quyết định các vấn đề liên quan công trình văn hóa, tính thẩm mỹ và sự hài hòa trong thiết kế nhà ga, các tuyến đường sắt ngầm và trên cao...

Theo quy hoạch được duyệt, TP HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Hiện, tuyến Số 1 và Số 2 đã được triển khai đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi; tuyến Số 5 giai đoạn 1 đã có cam kết tài trợ hoàn chỉnh thiết kế cơ sở và dự án đầu tư.

Trong đó, tuyến Metro Số 1 được phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật). Sau đó, tư vấn chung của dự án tính toán và xác định lại vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ (hơn 235.500 triệu Yên Nhật). Dự án khởi công năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2018, song phải đến năm 2021 mới có thể vận hành.

Còn tuyến Metro số 2 được phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng nhưng giờ được điều chỉnh lên khoảng 48.000 tỷ đồng.

Hai dự án metro này đang phải chờ các bộ ngành trung ương thực hiện thủ tục điều chỉnh thiết kế và tổng mức đầu tư. Dự kiến, sớm nhất vào tháng 6 công tác này mới có thể hoàn thành.

Thời gian qua, tuyến Metro Số 1 liên tục "đói vốn" do vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhân sự ở Ban quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư) bị khủng hoảng, Phó ban đi nước ngoài khi chưa được phép...

Ý kiến của bạn

Bình luận