Đường Phạm Văn Đồng - đường nội đô đẹp nhất TP HCM và là dự án đầu tiên tại Việt Nam do đơn vị nước ngoài thực hiện theo hình thức BT. Ảnh: Hữu Công. |
Sở Giao thông Vận tải vừa đề xuất UBND TP HCM thí điểm ba dự án bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) theo quy trình mới, gồm: nâng cấp đường Nguyễn Duy Trinh, nạo vét tuyến sông Tắc (quận 9) và mở rộng đường Trần Đại Nghĩa.
Đây là các dự án đã cơ bản hoàn thành hồ sơ đề xuất, nghiên cứu khả thi và nhà đầu tư cam kết tự thu xếp vốn cũng như xác định một số quỹ đất sẽ thanh toán.
Trong đó, dự án nâng cấp đường Nguyễn Duy Trinh và nạo vét sông Tắc có tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Hai công trình này được kỳ vọng giảm ùn tắc quanh cảng Cát Lái (cả đường bộ lẫn đường thủy) và kết nối các cụm cảng tại khu vực quận 9, Thủ Đức...
Còn dự án mở rộng đường Trần Đại Nghĩa có mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ, giúp "chia lửa" cho đường Tỉnh lộ 10 (trục giao thông kết nối khu công nghiệp Đức Hòa - khu đô thị Sing Việt - khu công nghiệp Lê Minh Xuân cũng như kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương).
Hồi cuối tháng 10 năm 2017, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu dừng tất cả các dự án BT đang được đàm phán để chờ quy trình mới chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn.
BT từng được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng, giao thông trong bối cảnh ngân sách TP HCM hạn hẹp. Hình thức mà thành phố thường sử dụng là đổi đất lấy hạ tầng, tức là dùng một khu đất "sạch" để đổi lấy dự án hạ tầng mà nhà đầu tư xây dựng.
Đã có hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông theo hình thức này được thành phố triển khai, vốn lên đến cả chục nghìn tỷ đồng. Các công trình đã hoàn thành như: cầu Sài Gòn 2 (gần 1.500 tỷ đồng), đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng, 495 triệu USD), đường kết nối vào cầu Phú Mỹ (hơn 1.440 tỷ đồng)...
Một số dự án đang thi công như xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm (12.000 tỷ đồng) do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư; dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gần 10.000 tỷ đồng), cầu Thủ Thiêm 2 (3.100 tỷ đồng)…
Theo các chuyên gia, dự án BT nếu thực hiện đúng cũng là phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, hình thức này rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu minh bạch vì lợi ích nhóm, hay vì những khoản sinh lời lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa.
BT cũng bị cho là thiếu tính công khai dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương, các dự án, lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi để kêu gọi đa dạng các thành phần kinh tế tham gia; hạn chế số lượng các nhà đầu tư tiềm năng, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.