Xe tải nối đuôi nhau trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình, TP HCM) |
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trong những tháng còn lại năm 2017 trên địa bàn TP HCM tổ chức chiều 4-8, ùn tắc giao thông và việc chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường là những vấn đề nóng được đưa ra bàn luận.
Xe tải tăng đột biến
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TP HCM, cho biết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, tập trung ở các tuyến đường xuyên tâm và khu vực cửa ngõ. Trong số 37 điểm được đánh giá có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, hiện 25 điểm đã chuyển biến, 10 điểm vẫn phức tạp và 2 điểm ít chuyển biến là khu vực xung quanh cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, đánh giá áp lực giao thông của TP đang tiếp tục gia tăng, khiến nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông càng trở nên trầm trọng. Trung bình mỗi tháng, số lượng phương tiện đăng ký mới trên địa bàn TP vào khoảng 30.000 xe, trong đó xe tải tăng đột biến. Từ năm 2015 tới nay, lượng xe tải đăng ký mới tăng từ 159.000 lên 210.000 phương tiện.
Cũng theo ông Huỳnh Trung Phong, việc đưa vào thí điểm loại hình xe Uber, Grab tại TP khiến số lượng phương tiện gia tăng, cộng với thời gian hoạt động của loại hình này không bị hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông. Đồng thời, việc xây công trình ở nhiều nút giao thông trọng điểm chưa được đánh giá toàn diện, đồng bộ với hạ tầng xung quanh nên làm tình hình ùn tắc trở nên phức tạp hơn. Đơn cử như khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) - cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Tăng phí vào trung tâm
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án cấm xe tải hoạt động vào ban ngày ở khu vực trung tâm TP để hạn chế tình trạng ùn tắc.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành khẩn trương triển khai đề án thu phí ô tô theo hướng tăng dần vào khu vực trung tâm, theo giờ và theo từng tuyến đường. Ông Phong cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng hoàn tất thủ tục để khởi công bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1); đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông số 1 trong tháng 8-2017 và tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh, tàu ngoại ô, kết nối các tuyến buýt nội thành... Đặc biệt, không được cấp phép xây dựng cho những cao ốc, công trình tập trung đông người ở những khu vực chưa đủ hạ tầng giao thông.
"Với từng dự án xin cấp phép, tôi xem xét rất kỹ về quy mô, việc bố trí người, bãi đậu xe... Phải chặt chẽ vì vấn đề này có tác động rất lớn đến hạ tầng giao thông và hiện có nhiều dự án lớn UBND TP đang quản lý rất chặt, dứt khoát không cấp phép nếu ảnh hưởng đến tình hình giao thông bên ngoài" - ông Phong nói.
Nhiều cán bộ có dấu hiệu trục lợi từ vỉa hè Báo cáo với Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với quận 1 về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 vào sáng 4-8, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cho biết không thể chấp nhận bộ mặt đô thị của quận trung tâm TP nhếch nhác như hiện nay. Ông Hải cho rằng nhiều cán bộ có dấu hiệu trục lợi từ vỉa hè. Cần phải quy trách nhiệm chủ tịch phường, tránh tình trạng chủ tịch phường nào cuối năm cũng xuất sắc hết trong khi nhiệm vụ lại không hoàn thành. Ông Hải hứa với lãnh đạo TP là trong năm nay sẽ lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường ở quận 1. "Nhưng để làm được thì TP phải cho tôi toàn quyền xử lý vỉa hè, toàn quyền xử lý cán bộ thì mới được" - ông Hải đề nghị.Ph.Anh Trong 6 tháng đầu năm 2017, tại TP HCM xảy ra 1.814 vụ TNGT, làm chết 333 người và bị thương 1.446 người; giảm 29 vụ, 60 người chết, 51 người bị thương so với cùng kỳ năm 2016. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.