"Vết nứt" trong tin đồn thực chất là khe co giãn có trong bản thiết kế |
Chiều 3/8, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã có cuộc họp khẩn để nghe các ngành chức năng như Sở GTVT TP HCM, chủ đầu tư công trình cầu Phú Mỹ báo cáo vụ việc liên quan đến thông tin "vết nứt gây sập cầu Phú Mỹ" gây hoang mang dư luận.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, sau khi xuất hiện thông tin đồn thổi lan rộng trên mạng xã hội về việc cầu Phú Mỹ (nối 2 bờ quận 2 và quận 7) xuất hiện vết nứt lớn, có nguy cơ sập cầu, Sở GTVT đã phối hợp với chủ đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư Phú Mỹ) và các đơn vị có liên quan trực tiếp kiểm tra thực tế hiện trường. Kết quả xác định vị trí bị cho là vết nứt cầu Phú Mỹ chính là khe co giãn giữa nhịp cầu chính và nhịp cầu dẫn. So sánh đối chiếu với hồ sơ hoàn công, hồ sơ kỹ thuật, Sở GTVT khẳng định công trình vận hành bình thường, chất lượng đảm bảo, an toàn theo đúng tiêu chuẩn thiết kế.
Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý; đồng thời có biện pháp ngăn chặn những thông tin sai sự thật về cầu Phú Mỹ gây hoang mang dư luận nói trên.
Theo Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trong vụ việc này, nếu người dân khi không hiểu được về kết cấu công trình, kỹ thuật của cầu Phú Mỹ, lại trông thấy cầu có một khe nứt dài gần 1m rồi chụp ảnh lại đăng lên Facebook chỉ vì lo lắng, rồi “lên tiếng” với mục đích “cần lời giải thích” từ cơ quan quản lý, xây dựng công trình thì người này có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì thực sự họ “không có lỗi” nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được.
Tuy nhiên, nếu họ biết về thiết kế kĩ thuật công trình này, cố ý chụp ảnh, tạo “làn sóng dư luận”, gây tâm lý hoang mang cho người dân, xuất phát từ mục đích “giật tít”, câu view, câu like thì người này có thể phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Ngoài ra nếu xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Cụ thể như sau: Về trách nhiệm hành chính, hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, hành vi này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm.
“Về trách nhiệm hình sự, người có hành vi này có thể sẽ phải chịu mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù theo Điều 226 Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet Bộ luật hình sự. Ngoài ra còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 mươi triệu đồng đến 200 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm”, Luật sư Chu Văn Tiến cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.