Ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh nhận định xe buýt trên địa bàn sẽ từng bước hoàn thiện hơn về mọi mặt |
Đổi mới đi đôi với áp dụng công nghệ thông tin
Để có được bước đầu thuận lợi như ngày hôm nay, TP. Hồ Chí Minh nói chung và Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã tiến hành thay đổi quyết liệt và mạnh mẽ dịch vụ này, bắt đầu từ việc hỗ trợ các chính sách, tăng nguồn vốn đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin và hợp tác với các doanh nghiệp cùng nhau thay đổi bộ mặt giao thông của Thành phố.
Bước chuyển bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng đào tạo từ bên trong, tăng lương cho các tài xế, nhân viên, mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ… Trong các tuyến xe buýt đều có bảng thông báo các đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh. Từ cuối năm 2015, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố triển khai việc áp dụng bảng thông tin điện tử tại các trạm xe buýt. Trong tháng 5/2016, UBND Thành phố cũng đã ra quyết định phê duyệt Dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh” và sẽ được ứng dụng trên 105 tuyến xe buýt có trợ giá với tổng số 1.953 xe. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 278,3 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ lắp đặt quầy bán vé xe buýt thông minh và hỗ trợ hành khách tại các bến đầu mối xe buýt tại các bến xe, khu công nghiệp…
Thành phố cũng đã yêu cầu chi tiết về kỹ thuật dùng thẻ thông minh đọc được nhiều loại thẻ khác nhau, đồng thời lựa chọn thực hiện dự án có trách nhiệm đảm bảo khả năng kết nối, liên thông với các dự án khác dùng vé thông minh cùng tiêu chuẩn trong tương lai như metro, BRT… Việc đưa vé xe buýt thông minh vào sử dụng sẽ xóa bỏ thủ tục đi xe buýt truyền thông rườm rà, tốn nhân lực và làm mất thời gian của hành khách. Bên cạnh đó, vào những giờ cao điểm khi khách sử dụng xe buýt đông, việc sử dụng thẻ sẽ giảm tình trạng chen lấn, xô đẩy khi mua vé, giúp cơ quan chức năng giám sát và quản lý hiệu quả tiền trợ giá xe buýt. Đây được xem là một bước cải thiện ban đầu cho hệ thống xe buýt, khi việc áp dụng thẻ thông minh sẽ tiết kiệm nhiều chi phí phát sinh và theo kịp xu hướng phát triển hiện đại của các nước trên thế giới.
Góp ý cho việc hoàn thiện, nâng cấp và phát triển xe buýt, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: Việc cần làm ngay chính là điện tử hóa, sử dụng thẻ thanh toán thông minh vào việc điều hành, thanh toán. Nếu gặp khó khăn, chúng ta chỉ cần ra quyết định, ban hành cơ chế, còn việc xây dựng đề án cần giao cho các nhà đầu tư thực hiện. Với tình trạng hiện nay, nếu muốn đổi mới thì phải đi đôi với đổi mới công nghệ, chỉ có như vậy mới có chính sách trợ giá phù hợp với từng hành khách, tránh gây lãng phí.
Ông Hùng cũng đề nghị Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để dẹp vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Bên cạnh đó, Sở cũng cần xây dựng các trạm đón, dừng xe buýt ở vỉa hè có mái che, ghế ngồi, bản đồ, khi ấy mới “kéo” được người dân sử dụng xe buýt.
Đột phá bằng xe buýt chất lượng cao và nhiên liệu sạch CNG
Theo ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, Thành phố đã có chủ trương phát triển các ứng dụng giao thông hiện đại như mở các tuyến xe buýt chất lượng cao từ sân bay Tân Sơn Nhất về nội đô. Theo ông Minh, nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ hàng không rất nhiều, nhưng các tuyến xe buýt hiện hữu đi vào trung tâm Thành phố chưa được khai thác tốt, chỉ có duy nhất một tuyến xe buýt số 152 hoạt động và tuyến xe buýt này hiện cũng đang trong tình trạng quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu của người dân và khách quốc tế.
Việc phát triển xe buýt chất lượng cao sẽ giúp cho người dân có nhiều lựa chọn khi sử dụng dịch vụ này |
“Kết hợp với doanh nghiệp mở các tuyến xe buýt chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu người dân và xây dựng lại hệ thống xe buýt chất lượng, an toàn, hiện đại là phù hợp với xu thế phát triển của đất nước”, ông Minh nhấn mạnh.
Cụ thể, vào giữa tháng 3/2016, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Cổ phần Vận tải Hàng không miền Nam (Satsco) đã khai trương tuyến xe buýt số 109 với thiết kế theo chuẩn chất lượng cao đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP. Hồ Chí Minh với sức chứa 70 hành khách, thiết kế hiện đại và đội ngũ nhân viên có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Hơn 2 tháng sau, Sở tiếp tục phối hợp với Công ty này khai trương tuyến xe buýt không trợ giá số 49 có lộ tình từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Quận 1. So với tuyến xe buýt số 109 được đưa vào khai thác trước đó, tuyến buýt số 49 này sẽ có vị trí dừng, đỗ tại sảnh của những khách sạn lớn trong trung tâm Thành phố, cùng với đó là 2 điểm đỗ đặc biệt gồm Nhà thờ Đức Bà và Nhà hát Thành phố phục vụ khách du lịch, khách nước ngoài khi tham quan.
Chọn thay thế những xe buýt cũ bằng các xe buýt chạy bằng nhiên liệu CNG cũng là hướng đi trong thời gian tới. TP. Hồ Chí Minh sẽ chuyển đổi mạnh mẽ xe buýt từ sử dụng nhiên liệu diesel sang dùng nhiên liệu sạch CNG, thân thiện với môi trường. TP. Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn sản xuất 300 xe buýt để đưa vào sử dụng trong tương lai. Việc xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 20% - 25% chi phí nhiên liệu so với xe cùng loại sử dụng xăng, dầu, giúp giảm lượng khí thải độc hại cho môi trường, không gây ô nhiễm tiếng ồn cho người dân.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt đã “vực dậy” và tạo bước đột phá mới cho chính mình. Mọi thứ chỉ là bước khởi đầu và cần nhiều hơn nữa sự cố gắng từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người dân thì trong tương lai xe buýt có thể hoàn thành sứ mệnh của mình một cách tốt hơn
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.