TP.HCM: Đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường thủy

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 29/11/2017 10:31

Có lợi thế về hệ thống sông ngòi, kết nối thuận lợi ...tuy nhiên hiện nay giao thông thủy và các sản phẩm du lịch vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng

IMG_9650
Buổi tọa đàm 'Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP.HCM' được rất  nhiều đơn vị doanh nghiệp và các chuyên gia quan tâm

Ngày 28/11, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Sở Du lịch TP tổ chức tọa đàm 'Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP.HCM'. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Sở GTVT, Sở Du lịch, và nhiều đơn vị doanh nghiệp đang đầu tư và phát triển trên đường thủy.

Theo Sở GTVT Tp.HCM, địa phương là một tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với tổng chiều dài trên 1.000km, trong đó có 975km đã đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý. Trong đó, có 7 tuyến là tuyến hàng hải với chiều dài 157km, 9 tuyến đường thủy nội địa quốc gia  với tổng chiều dài 203km. Và có đến 94 tuyến đường thủy nội địa tương đường 612km và 2 tuyến chuyên dùng. Với lợi thế của 2 tuyến sông chính là Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua, cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch tạo ra mạng lưới đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận.

̀Từ năm 2011 đến năm 2014, lượng khách du lịch đường thủy hàng năm tăng trung bình từ 10% - 15%/năm. Tuy nhiên từ năm 2015, du lịch đường thủy gặp nhiều khó khăn khi thành phố tạm ngưng hoạt động bến thủy trung tâm tại công viên Bạch Đằng. Hoạt động vận chuyển hành khách đường thủy bị ảnh hưởng nhiều nhất, một số đơn vị phải tạm ngưng cho đến nay vì không có vị trí thuận lợi, phù hợp để kết nối giao thông.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM cho biết: Hiện này nhiều doanh nghiệp đã có đề xuất kiến nghị về việc đẩy nhanh dự án trên địa bàn như: Dự án cầu đường sắt Bình Lợi, dự án khai thông tuyến rạch Chiếc, nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai....Vì trên thực tế các khu vực này đang gây khó khăn cho giao thông thủy rất nhiều.

Sở GTVT cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn nhằm nâng cao tĩnh không thông thuyền đáp ứng cho nhu cầu vận tải của phương tiện thủy trên tuyến, đặc biệt là phương tiện vận tải phục vụ du lịch. UBND TP chỉ đạo UBND quận 9 đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện Dự án khai thông tuyến rạch Chiếc nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Mặt khác, hệ thống cảng bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP. Đặc biệt là từ khi bến Bạch Đằng được tạm ngưng hoạt động để chỉnh trang đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động du lịch đường thủy. Vì vậy Tp.HCM cần có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giao đất để đầu tư cảng, bến, công trình phục vụ công cộng, du lịch. 

IMG_9644
Ông An Sơn Lâm, đại diện công ty TNHH Thuyền Buồm Đông Phương chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy nêu ra hàng loạt bất cập trong việc phát triển du lịch đường thủy hiện nay. Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Triều Kinh, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh cho rằng, TP vừa đưa tuyến buýt sông vào hoạt động, buýt sông khi di chuyển tạo sóng rất mạnh gây khó khăn cho hoạt động các tàu du lịch, vì vậy cần lưu ý về vận hành mô hình này. Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến bãi, cầu phao, hiện một số nơi không có nhà chờ, nhà vệ sinh, thu phí quá cao (1 triệu đồng/chuyến đi và về).

Đặc biệt, khâu dự báo bão hiện nay cần chính xác và phân vùng cấm tàu thuyền chứ không thể cấm đại trà như thời gian qua khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Cần kết nối bến cảng Phú Mỹ cho tàu du lịch cập bến vì bến này hiện nay chỉ phục vụ tàu hàng hóa.

Đại diện Công ty Thuyền buồm Đông Phương cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường thủy rất yếu. Các quy hoạch cảng bến đều không có thông báo trước cho doanh nghiệp. Thậm chí như việc tạm ngưng bến Bạch Đằng trước đây, doanh nghiệp nhận được thông báo chỉ trước đó 1 tuần. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải lao đao vì không biết đưa phương tiện của mình neo đậu ở đâu. Và trên thực tế, mặc dù Tp.HCM có lợi thế về hệ thống sông ngòi nhưng việc phát triển vận tải đường thủy, hay du lịch đường thủy đang bị chững lại. Chính vì vậy doanh nghiệp mong muốn nhà nước cho cơ chế chính sách phù hợp, ban hành các quy định và kêu gọi việc phát triển đường thủy, còn việc đầu tư phát triển thì các doanh nghiệp có thể đáp ứng ngay. Việc xã hội hóa các hệ thống bến bãi, phương tiện, dịch vụ....là điều cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận