Để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án bến bãi đỗ xe theo quy hoạch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị Bộ Tài chính áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất phần diện tích các hạng mục công trình dịch vụ như khu vực đón, trả khách, bãi đỗ xe ôtô, khu vực bãi đỗ xe công cộng, khu vực dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện, khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu vực kho lưu trữ hàng hóa, khu vực bố trí mảng xanh… đối với loại hình bến bãi xây mới hoặc được cải tạo nâng cấp theo quy hoạch.
Đối với vị trí bến bãi theo quy hoạch có công trình là bãi đỗ xe ngầm hoặc bãi đậu xe cao tầng, hoặc kết hợp cả hai, Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Bộ Tài chính miễn tiền thuê đất phần diện tích được xác định bởi tỷ lệ giữa số tầng cung ứng chỗ đậu xe công cộng và tổng số tầng xây dựng so với diện tích khu đất; đồng thời cho phép công trình bến bãi đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch (có thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ Tài chính đưa nhóm các dự án đầu tư xây dựng các bến bãi (mặc dù có trung tâm thương mại) vào nhóm hạ tầng để được khuyến khích cho vay vốn đầu tư.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, diện tích bến bãi hiện hữu trên địa bàn thành phố đã không đáp ứng đủ nhu cầu đậu đỗ xe và tổ chức trung chuyển hành khách, hàng hóa.
Quỹ đất giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố không chỉ thiếu so với chỉ tiêu quy hoạch mà còn phân bổ không đồng đều, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao thông vận tải và an toàn giao thông.
Tính đến ngày 31/10, diện tích bến bãi hiện hữu trên địa bàn quận huyện gần 85ha, đạt tỷ lệ 7,38% so với chỉ tiêu đề ra.
Đây là nguyên nhân dẫn đến đa số xe buýt, xe taxi phải sử dụng tạm lòng lề đường để đỗ, đón trả khách, phải sử dụng tạm mặt đường, trạm xăng dầu hoặc nhà của chủ xe để lưu đậu qua đêm, không thực hiện được chế độ sửa chữa bảo dưỡng, bảo trì, bàn giao ca…
Các bến xe khách mới chưa được đầu tư nhanh do hạn chế ngân sách khiến các bến xe liên tỉnh hiện hữu như bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), bến xe An Sương (huyện Hóc Môn)… vừa phải đảm nhận chức năng hoạt động liên tỉnh, vừa phải đảm nhận thêm hoạt động của các tuyến xe buýt nội thành; dẫn đến tình trạng quá tải.
Thành phố cũng đang thiếu các kho bãi tập kết hàng hóa và tổ chức phân phối vào trung tâm dẫn đến các phương tiện chở hàng hóa quá tải.
Trong khi đó, phương tiện giao thông gia tăng nhanh về số lượng, tùy tiện chiếm dụng mặt đường để lưu đậu hoặc phải chạy lòng vòng. Hệ quả là ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở khu vực trung tâm thành phố, gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, công tác xã hội hóa đầu tư dự án bến bãi đỗ xe còn chậm, chỉ có 2 dự án.
Cụ thể là nhà đậu xe cao tầng tại địa chỉ số 121-139, đường Cô Giang, quận 1 do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên làm chủ đầu tư, có tổng diện tích sàn xây dựng hơn 32.000m2 với sức chứa 500 xe ôtô, 1.500 xe gắn máy (đưa vào sử dụng từ tháng 5/2014) và bãi đậu xe cao tầng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí - Xây dựng và Thương mại Tiên Tiến tại địa chỉ số 71, đường Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú với tổng diện tích sàn xây dựng 35.500m2, sức chứa 1.400 xe ôtô, 1.400 xe gắn máy (đưa vào sử dụng từ tháng 4/2013).
Thế nhưng 2 dự án này cũng chỉ mới khai thác được 20% công suất.
Các bãi đỗ xe ngầm theo quy hoạch đang thực hiện xúc tiến đầu tư gồm bãi đỗ xe công viên Lê Văn Tám (chủ đầu tư đang tổ chức thẩm tra thiết kế kỹ thuật công trình), bãi đỗ sân khấu Trống Đồng (đang điều chỉnh và hoàn thiện thiết kế cơ sở).
Dự án bãi đỗ xe sân vận động Hoa Lư đã phê duyệt đầu tư với tổng vốn hơn 3.400 tỷ đồng; dự án bãi đỗ xe công viên văn hóa Tao Đàn và công viên 23 Tháng 9 đang trong quá trình lập đề xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.