Tp.HCM: Doanh nghiệp vận tải cần môi trường cạnh tranh công bằng

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Doanh nhân 21/05/2016 06:34

Trước tình trạng xe khách hoạt động trá hình ngày càng tinh vi, một số doanh nghiệp vận tải tại Tp.HCM đã gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo Tp.HCM.

Hinh 4
Các xe khách vẫn thương xuyên đón trả khách trong khu vực nội đô (ảnh chụp trên đường Trần Nhân Tôn, Quận 5, Tp.HCM)

Trước thực trạng xe dù, bến cóc vẫn tiếp tục lộng hành và ngày càng tinh vi hơn một số doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã vận tải như Phương Trang, Kumho Samco, Mai Linh, HTX Vận tải Thống Nhất, HTX vận tải dịch vụ và du lịch Sài Gòn… đã đồng loạt ký văn bản gửi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong. Trong đơn kiến nghị các doanh nghiệp mong muốn thành phố có giải pháp quyết liệt, xử lý dứt điểm vấn nạn xe “dù” trên địa bàn để tạo sân chơi bình đẳng trong kinh doanh. 

Theo các doanh nghiệp này, nạn “xe dù, bến cóc” đã và đang tồn tại ở TP. Hồ Chí Minh hơn 30 năm nay, ngày càng mở rộng và diễn biến phức tạp. Việc này đã làm thất thu thuế cho ngân sách thành phố (thuế VAT bán vé cho hành khách, thuế thu nhập của doanh nghiệp vận tải trá hình, thuế thu nhập doanh nghiệp của các bến xe liên tỉnh từ nguồn thu giá dịch vụ qua bến của các xe trá hình khi vào bến).

xe khách lộng hành
Đã có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã cùng gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo thành phố

Đặc biệt việc xuất hiện ngày càng nhiều xe khách trá hình là một sự cạnh tranh không lành mạnh. Và đây là nguyên nhân khiến tình trạng trên xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu không sớm dẹp bỏ vấn nạn này, thì các doanh nghiệp khác muốn tồn tại cũng phải chạy theo kiểu kinh doanh này.

Dưới góc độ là các doanh nghiệp chân chính hoạt động trong ngành và am hiểu mọi chuyện, 12 đơn vị đã kiến nghị Bí thư Đinh La Thăng cho rà soát lại tất cả bến xe khách lậu, bãi đỗ xe ở TP. Hồ Chí Minh, xử lý nghiêm các bến sai phép. Đồng thời hi vọng Sở GTVT sớm công bố các điểm dừng, đón trả khách các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định trên địa bàn thành phố. Lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm các trường hợp đón, trả khách “lậu”.Thường xuyên rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS) của các xe hợp đồng, xe du lịch trá hình, có lộ trình lặp đi lặp lại. Có như vậy, vấn nạn trên mới được giải quyết một cách triệt để và các doanh nghiệp khác có được môi trường cạnh tranh lành mạnh công bằng.

Ý kiến của bạn

Bình luận