Việc khai thác cát lậu dọc bờ sông trên địa bàn quận 9, Tp.HCM được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ sạt lở |
Thời gian qua, khai thác cát trái phép diễn ra một cách công khai trên nhiều tuyến sông ở Tp.HCM và khu vực lận cận. Tình trạng này gây ra sạt lở bờ sông khiến người dân bức xúc, các cơ quan chức năng của thành phố triển khai ngăn chặn nhưng chưa hiệu quả.
Theo phản ánh của người dân, hằng ngày, trên một số tuyến sông đi qua huyện Cần Giờ, Quận 9... của Tp.HCM, nhất là ở là các khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra công khai.
Các đối tượng khai thác cát hoạt động tinh vi, bố trí người cảnh giới để kịp thời rút đi hoặc phi tang nếu như bị cơ quan chức năng phát hiện. Chúng sẵn sàng vứt bỏ phương tiện, đánh chìm thuyền… hòng trốn tội. Theo ghi nhận, tại tuyến sông Đồng Nai, các xà lan chở cát vẫn ngày ngày qua lại nhộn nhịp.
Bà Nguyễn Thị Bông, ở Quận 9 bức xúc: “Tôi thấy lên báo đài cũng nhiều, khai thác kiểu gì mà y như không cấm vậy. Tụi tui cũng bức xúc lắm, ban đêm thì ầm ầm, ban ngày thì xà lan chở cát qua lại hoài mà ít thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc. Bắt hết đi chứ giờ sạt lở vậy hoài thì bức xúc lắm”.
Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng của Tp.HCM đã có triển khai truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép, nhưng không thể ngăn chặn nổi. Chỉ riêng Quận 9 gần đây liên tục tổ chức gần 200 lượt kiểm tra trên các tuyến sông, xóa trắng 75 bãi cát tự phát ven sông, thu giữ 27 ghe, 11 máy, 9 hộp số, 9 đầu bơm.
Huyện Cần Giờ phối hợp với lực lượng bộ đội Biên phòng, Hải đội 2, Cảng vụ đường thủy nội địa, Khu Quản lý đường thủy nội địa... kiểm tra các phương tiện hoạt động trên các tuyến sông, rạch bắt một số vụ khai thác cát trái phép.
Ông Thái Tân Sĩ, Trưởng phòng Quản lý đô thị kiêm Phó Trưởng ban Ban An toàn giao thông huyện Cần Giờ cho biết: “UBND huyện Cần Giờ cũng đã thành lập đoàn công tác trong đó có biên phòng, hải đội, công an và các phòng ban cũng thường xuyên kiểm tra. Trên địa bàn huyện Cần Giờ là luồng biển thường có đối tượng khai thác cát trái phép. Huyện có kết hợp với lực lượng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nữa và vừa qua có bắt được một số vụ, lập biên bản xử lý theo quy định”.
Một trong những địa điểm mà các đối tượng khai thác cát thường xuyên hoạt động là khu vực vùng cửa biển và các sông lớn có vùng giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Tại đây, các đối tượng thường khai thác với qui mô lớn, phương tiện hút cát hiện đại. Đây cũng là các đối tượng khó đối phó nhất vì chúng luôn có cảnh giới và nhanh chóng tẩu tán khi bị phát hiện.
Để đối phó với các nhóm khai thác trộm cát, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng thành phố đã phải tổ chức mật phục, theo dõi trong thời gian dài và khi triển khai hoạt động cũng phải rất nhanh chóng, khẩn trương.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng đã lập 4 chuyên án và bắt 33 đối tượng, tịch thu 13 phương tiện. Mới đây, Đồn biên phòng Cần Thạnh - Long Hòa, huyện Cần Giờ đã mật phục, bắt quả tang 3 ghe gỗ, 4 sà lan đang khai thác cát trái phép tại khu vực các sông Đồng Tranh, Lòng Tàu.
Theo lực lượng biên phòng Tp.HCM, một trong những khó khăn trong việc ngăn chặn các hành vi khai thác cát trái phép chính là việc phối hợp giữa các đơn vị cũng như giữa các địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Thêm vào đó, các đối tượng khai thác cát trái phép thường manh động, khi bị phát hiện sẵn sàng bỏ chạy và đổ cát xuống sông, thậm chí là đánh chìm tàu thuyền… Trong một vụ bắt các đối tượng này mới đây, bộ đội biên phòng đã phải nổ súng để trấn áp.
Đại tá Phan Đình Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tp.HCM cho rằng, để việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép này hiệu quả hơn, công tác phối hợp giữa các lực lượng vẫn là quan trọng nhất: “Mình phải có phối hợp, không để các đối tượng khi Thành phố đánh thì dạt sang Đồng Nai và ngược lại. Phải nắm tình hình nhân dân, nhờ dân làm tai mắt và nắm tình hình và cung cấp thông tin. Trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng phải chặt chẽ hơn, kể cả cảnh sát đường thủy, công an các quận, huyện của Thành phố và Công an huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai”.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, UBND các quận, huyện đã kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở trên các tuyến sông, kênh, rạch.
Toàn thành phố hiện có 44 vị trí sạt lở bờ sông, trong đó có gần 30 vị trí sạt lở nguy hiểm. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần không nhỏ do việc khai thác cát trái phép. Vì thế, việc ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo an toàn cho dòng chảy, giữ gìn môi trường… là đặc biệt cần thiết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.