Hình ảnh chiếc ca nô bị chìm tại biển Cần Giờ vào tháng 8/2013. |
Mới đây UBND TP.HCM đã ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại TP.HCM. Theo đó, về nguyên tắc của hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Quy chế khẳng định công việc này cần được tiến hành theo phương “châm bốn tại chỗ” và khi có thiên tai, thảm họa xảy ra ở đâu thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm chỉ huy công tác cứu nạn ban đầu.
Trong mọi trường hợp sự cố, thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra thì người chỉ huy cao nhất tại hiện trường được huy động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện có trên địa bàn để tham gia ứng cứu. Trường hợp các thiết bị được trưng dụng bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định.
Nếu sự việc vượt quá khả năng ứng cứu của TP thì TP sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng của Trung ương.
Quy chế cũng đưa ra 13 trường hợp để phân công lực lượng chỉ đạo, thành phần và các phương tiện thực hiện cứu hộ, cứu nạn. Tất cả những thành phần trên đươc đặt dưới sự chỉ đạo của UBND cùng cơ quan chỉ huy là các sở, ngành, đơn vị liên quan cụ thể:
Bảng phân công lực lượng chỉ đạo, thành phần và các phương tiện thực hiện cứu hộ, cứu nạn. |
Về phần khắc phục hậu quả sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa, Quy chế nhấn mạnh cần ưu tiên cứu người bị nạn để thực hiện sơ cứu ban đầu và chuyển lên tuyến trên, chủ động phối hợp với các vùng giáp ranh, đặc biệt là khu vực ven biển, sông để tìm kiếm người mất tích.
Các sở ngành, quận, huyện cũng được yêu cầu theo chức năng để thu dọn, giải phóng hiện trường trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo nước sạch, điện, giao thông thông suốt, hay tổ chức ngăn chặn chất độc hóa học, bức xạ hạt nhân.
Bên cạnh đó, các đơn vị nói trên cũng cần đảm bảo việc tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, hỗ trợ kinh phí cho người bị nạn sớm ổn định cuộc sống, tập trung lực lượng để sửa chữa nhanh nhất các thiệt hại để đưa mọi hoạt động trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
Các công nhân thu dọn hiện trường sau khi một cơn dông quét qua TP.HCM. |
Quy chế cũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện, xã phường – thị trấn, đặc biệt là các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phải thực hiện chế độ trực ban 24/24 khi có thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra.
Việc thông tin liên lạc cũng cần được thực hiện bằng cả hai phương thức vô tuyến và hữu tuyến. Các thông tin liên quan đến sự cố và hoạt động tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi cấp nào thì cấp đó phải báo cáo bằng điện thoại và văn bản cho cơ quan chỉ đạo trong vòng không quá 24h.
Về trang thiết bị đầu tư cho hoạt động cứu hộ, Quy chế cho biết, hàng năm ngân sách TP sẽ đảm bảo và bố trí riêng kinh phí cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trong khi đó người trực tiếp tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ nếu bị thương hoặt tử vong sẽ được hưởng chế độ chính sách theo quy định.
Quy chế cũng nêu rõ rằng người nào có hành vi vi phạm quy định về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cản trở hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hoặc lợi dụng công tác này để xâm hại đến lợi ích của nhà nước sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.