Người dân ngang nhiên đi ngược đường |
Trước tình trạng kẹt xe xảy ra liên tục trên địa bàn thành phố thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Quản lý địa bàn mà có gì cứ đổ cho giao thông, giao thông đổ cho cảnh sát rồi cảnh sát đổ cho chỗ khác là không được. Nơi nào xảy ra ùn tắc thì Chủ tịch quận kiểm điểm đi, nhiều lúc cứ có người thân ở đó cứ né đi là không được. Phải có sự giám sát của mặt trận, cái đó trách nhiệm ai, chỉ ra ông A, ông B thì lúc đó không né được. Chứ mình cứ nói hoài, nhắc nhau hoài mà không có chuyển biến gì là không được”.
Từ đầu năm đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh không có vụ kẹt xe nghiêm trọng kéo dài trên 30 phút nào, nhưng tình trạng ùn ứ kéo dài vẫn thường xuyên diễn ra. Trong lúc chờ những giải pháp lâu dài, nhiều chuyên gia và người dân thành phố đề xuất những việc làm nhỏ mà Thành phố có thể làm ngay để cải thiện tình trạng giao thông.
17h hàng ngày, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng từ Hàng Xanh về Bến xe miền Đông luôn trong tình trạng ùn ứ, kẹt xe. Các phương tiện lưu thông phải di chuyển với tốc độ chậm, khó khăn. Nguyên nhân là do đoạn giao giữa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường D5 thường xuyên có phương tiện băng ngang qua dòng di chuyển, nhưng không có đèn tín hiệu cũng ít có cảnh sát giao thông điều tiết.
Ông Đinh Văn Khôi, một người chạy xe ôm tại khu vực này kiến nghị: “17h30 đến hơn 18h là thời điểm cao nhất. Đây có trường học thì người ta phải đi hướng này để gần hơn. Nếu có một cảnh sát giao thông đứng đây cho phân luồng không cho qua đây mà đi thẳng luôn là đỡ khúc này ngay .).
Tình trạng trên cũng thường xuyên diễn ra tại một số điểm khác trên các tuyến: Cách mạng Tháng 8, Quốc lộ 13 qua thành phố… Nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng... xảy ra kẹt xe giờ cao điểm do bị những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè và cả một phần lòng đường hoặc mặt đường sau khi sửa chữa không được trả lại nguyên trạng. Tình trạng này cần được chính quyền các phường, quận chấn chỉnh ngay. Đồng thời, thành phố cũng nên xem xét cải tạo một số ngã tư lớn cho thông thoáng hơn, tạo thêm đường rẽ phải để giải tỏa bớt phương tiện chờ đèn tín hiệu. Một số tuyến đường lớn như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… có thể tăng diện tích mặt đường, bố trí thêm làn cho xe máy.
Tiến sỹ Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông cho rằng: Nếu thành phố tập trung thực hiện các giải pháp nhỏ này, tình trạng ùn ứ, kẹt xe sẽ giảm từ 20 đến 30%: “Những việc này rất nhỏ nhưng nó tăng hiệu quả lên ngay. Và nếu làm những việc này thì trật tự giao thông và văn hóa giao thông sẽ ngày càng tăng lên. Như vậy, hiệu quả không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Nếu mình không làm được những việc này thì sau này dù có làm Vành đai 2, Vành đai 3, Metro nữa thì cũng không có ý nghĩa, cái nhỏ không giải quyết được thì sao cái lớn giải quyết được. Nên làm việc nhỏ và làm từ bây giờ, thường xuyên, liên tục”.
Tình hình kẹt xe không chỉ xảy ra trong nội thành mà còn thường xuyên diễn ra tại các tuyến vành đai như Mai Chí Thọ, đường vào cảng Cát Lái... Trước thực trạng này, thành phố sẽ xây dựng một qui chế về qui định lại tốc độ trong đô thị, các loại biển báo… phú hợp hơn. Thành phố cũng sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các quận, huyện khi để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, ùn ứ giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, xe dù bến cóc.
|
Những tháng còn lại của năm là thời điểm mà nguy cơ tai nạn giao thông cũng như ùn tắc giao thông được dự báo sẽ tăng cao do thành phố vào mùa mưa bão và có đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông… Vì thế, việc tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông phải được thực hiện ngay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.