Trạm cân ngừng hoạt động, nạn xe quá tải bùng phát trở lại

An toàn giao thông 10/04/2017 05:42

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo tăng cường kiểm soát xe quá tải sau khi gần 1/3 số trạm cân lưu động ngừng hoạt động

 

23:64 trạm cân ngừng hoạt động, nạn xe qua
Đến chiều 9-4, trạm cân Phú Yên vẫn chưa hoạt động vì vướng dải phân cách và chưa có bảng báo hiệu trạm cân Ảnh: HỒNG ÁNH

Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593/KHPH-BGTVT-BCA (gọi tắt là Kế hoạch 12593) giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Công an thực hiện từ tháng 11-2013 được xem là “quả đấm thép” để dẹp xe quá tải. Sau khi kế hoạch này kết thúc, trạm cân tải trọng ở nhiều nơi “đắp chiếu” hoặc hoạt động cầm chừng.

23/64 trạm cân ngừng hoạt động

Theo báo cáo của liên bộ Công an - GTVT công bố ngày 1-9-2016, tổng kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 12593, tình trạng xe quá tải đã giảm trên 92%.

Tháng 9-2016, liên bộ GTVT - Công an đã thống nhất kết thúc Kế hoạch 12593. Ngay sau đó, lực lượng CSGT nhiều tỉnh, TP đã rút khỏi lực lượng kiểm tra tải trọng liên ngành ở trạm cân, chỉ còn lực lượng thanh tra giao thông (TTGT).

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết: Đến nay, 23/64 trạm cân trên cả nước ngưng hoạt động; 41 trạm còn lại dù đang duy trì hoạt động nhưng cũng cầm chừng và có nguy cơ dừng bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, xe quá tải tái xuất trên nhiều tuyến đường, trong đó có các tuyến quốc lộ (QL) huyết mạch như QL 1, 6, 5, 18, 13, 14.

Chỉ trong 1 ngày giám sát tại Hà Nội, lực lượng chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện 35 xe quá tải, xử phạt 1 tỉ đồng. Không chỉ ở Hà Nội, một số tỉnh phía Bắc cũng có số phương tiện vi phạm tải trọng khá lớn.

Ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam - khẳng định thời gian qua, nhiều trạm cân do Bộ GTVT trang bị cho các địa phương đến kỳ kiểm định, phải mang đi kiểm định ở Hà Nội. Ngoài ra, một số trạm cân bị sự cố phải sửa chữa. Về việc một số nơi gần như bỏ trống kiểm soát xe quá tải trên QL, theo ông Chung, sau khi CSGT rút đi bởi Kế hoạch 12593 kết thúc, có địa phương vin vào các văn bản liên quan cho rằng thanh tra của Sở GTVT không được hoạt động trên QL nên dừng hoạt động trạm cân.

Cần khôi phục Kế hoạch 12593

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định nếu không có sự tham gia của công an thì không thể xử lý được xe quá tải.

“Kế hoạch liên ngành 12593 cực kỳ hiệu quả, cần tiếp tục duy trì. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng GTVT trực tiếp làm việc với Bộ Công an để tiếp tục có một kế hoạch phối hợp tương tự. Đơn độc một mình Bộ GTVT không thể làm lại được. Lực lượng TTGT đã làm tốt nhưng sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không có lực lượng công an phối hợp” - ông Dũng nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, sớm báo cáo chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định nếu thực hiện lại Kế hoạch 12593, các địa phương sẽ thuận lợi trong việc phối hợp giữa công an, TTGT và các lực lượng khác tại trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động cũng như tiến hành giám sát công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Nếu không có các trạm này, số xe chở quá tải cũng như những trường hợp được “chống lưng” sẽ tái diễn và hoành hành.

Tổng cục Đường bộ kiến nghị Ủy ban ATGT quốc gia xem xét, đánh giá lại và tiếp tục thực hiện Kế hoạch 12593. Trong khi chờ đợi khôi phục lại Kế hoạch 12593, trước mắt, tổng cục đề nghị UBND các tỉnh, TP yêu cầu các Sở GTVT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg năm 2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Các Sở GTVT cần tập trung sắp xếp lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng công an đưa trạm cân lưu động hoạt động trở lại. Trong trường hợp không có CSGT và lực lượng cảnh sát khác thì TTGT chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại trạm. Đồng thời, sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương.

Trong 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định và thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã kiểm tra 66.280 xe, trong đó gần 7.000 chiếc vi phạm, tước gần 2.000 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 54,7 tỉ đồng.

Lắp xong thiết bị, trạm cân Phú Yên vẫn nằm chờ

Đến chiều 9-4, trạm kiểm soát tải trọng xe (trạm cân) Tuy An ở Phú Yên vẫn chưa đi vào hoạt động. Trung tá Võ Văn Thịnh, Trạm trưởng Trạm CSGT Tuy An - đơn vị được giao trách nhiệm vận hành trạm cân, cho biết sau khi sơ kết kế hoạch liên bộ Công an - GTVT về kiểm soát tải trọng xe, trạm cân này đã dừng hoạt động, mỗi ngành xây dựng trạm cân riêngThiết bị ở trạm cân này được Sở GTVT Phú Yên đưa về lập trạm cân trên QL 29. Còn gần vị trí trạm cân cũ, Bộ Công an xây dựng một trạm cân mới và giao cho Trạm CSGT Tuy An vận hành. Đây là trạm cân duy nhất trên QL 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên. Vị trí đặt trạm cân cách trạm cân cũ khoảng 30 m về hướng Bắc. Hiện việc lắp đặt các thiết bị cân tải trọng đã hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

“Lý do là vì đoạn trước mặt trạm cân vẫn chưa tháo dỡ dải phân cách nên không thể đưa xe từ bên kia đường vào. Mặt khác, các bảng hiệu hướng dẫn vào trạm cân vẫn chưa lắp đặt. Công an Phú Yên đã kiến nghị Cục CSGT làm việc với Tổng cục Đường bộ cho tháo dỡ dải phân cách và lắp đặt bảng hiệu. Vì cái này là của ngành giao thông nên chúng tôi vẫn phải chờ” - trung tá Thịnh giải thích.

Theo trung tá Thịnh, để hạn chế xe quá tải qua Phú Yên, những tháng qua, Trạm CSGT Tuy An phải tăng cường lực lượng kiểm tra tải trọng xe lưu động bằng cân xách tay.

H.Ánh

Ý kiến của bạn

Bình luận