Trước đó, khi dự án đi vào thu phí, nhiều chủ xe đã huy động ôtô chặn tại hai đầu trạm thu phí để phản đối mức thu không hợp lý. Ảnh: TTXVN |
Ông Đỗ Văn Duy, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Hùng Thắng Phú Thọ cho biết, đơn vị thực hiện việc miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu và phương tiện đường bộ của các cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn huyện Tam Nông, Phú Thọ và các xã Thái Hòa, Phú Sơn của huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội).
Cụ thể, nhà đầu tư sẽ miễn phí 100% cho xe ôtô dưới 12 chỗ, xe tải trọng tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng của người dân trên địa bàn hai xã Thượng Nông và Hồng Đà, huyện Tam Nông, bởi đây là hai xã gần trạm thu phí BOT Tam Nông nên phần lớn người dân thường qua lại trạm thu phí hàng ngày.
Đối với 4 xã của huyện Tam Nông bao gồm xã Cổ Tiết, Dậu Dương, Hương Nộn, thị trấn Hưng Hóa và 2 xã là Thái Hòa và Phú Sơn của huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội nhà đầu tư sẽ thực hiện giảm 50% mức phí thông thường dao động từ 15.000 đồng/xe/lượt và cao nhất là 90.000 đồng/xe/lượt.
Ngoài các xã trên, các phương tiện không thuộc đối tượng được miễn giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi trạm BOT Tam Nông vẫn áp dụng thu thấp nhất 35.000 đồng/xe/lượt và cao nhất là 180.000 đồng/xe/lượt.
Ông Duy cũng cho biết thêm, theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải về quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, thì có 2 loại hình thức thu giá cho dịch vụ sử dụng đường bộ là thu theo lượt (thu hở) và thu theo chặng (thu kín tính theo Km).
Đối với các dự án BOT hiện nay nếu áp dụng theo hình thức thu giá theo chặng (thu kín tính theo đồng/km) thường chỉ áp dụng được cho các Dự án đường cao tốc do đặc thù ít giao cắt với các hệ thống tuyến đường khác để có thể bố trí tất cả các trạm thu phí ở tất cả các vị trí nút giao (ví dụ cao tốc Nội Bài-Lào Cai; Hà Nội-Hải Phòng; Sài Gòn-Trung Lương).
Các dự án BOT đầu tư theo hình thức vừa làm mới, vừa nâng cấp mở rộng (không phải đường cao tốc) như toàn bộ hệ thống đường mở rộng Quốc lộ 1; Quốc lộ 14; Quốc lộ 10 đoạn La Uyên Tân Đệ, Quốc lộ 10 đoạn Quán Toan-Cầu Nghìn; Dự án đầu tư xây dựng Đoạn tuyến tránh thành phố Nam Định; Dự án tuyến tránh Phủ Lý và mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Hà Nam; Quốc lộ 91…và rất nhiều dự án nâng cấp mở rộng trên cả nước theo hình thức BOT hiện nay đều áp dụng hình thức thu giá theo lượt (thu hở) bởi vì đối với các dự án theo hình thức này có rất nhiều đường giao, nút giao (nhiều lối ra vào) nên không thể áp dụng hình thức thu theo chặng được.
Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà theo hình thức BOT, hình thức thu giá và mức thu giá hiện nay đã được thực hiện trên cơ sở Phương án tài chính trong Hợp đồng và phụ lục hợp đồng ký kết với Bộ Giao thông Vận tải (Hợp đồng số 24/HĐ.BOT-BGTVT ngày 23/9/2015 và PLHĐ BOT số 01 ký ngày 30/12/2016) trong đó đã xin ý kiến và nhận được sự thống nhất của địa phương (Văn bản số 648/UBND-KT1 ngày 04/03/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ về góp ý kiến phương án đầu tư dự án BOT 32; Văn bản số 2167/UBND-KT1 ngày 09/6/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc tham gia ý kiến cấp giấy chứng nhận đầu tư của Dự án).
Tất cả các văn bản pháp lý nêu trên đều chấp thuận Dự án BOT thu giá theo hình thức thu theo lượt (thu hở) và mức giá cụ thể đối với từng loại xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.