Một buổi dạy trực tuyến của giảng viên đại học |
Nhiều vấn đề bất cập
Trực tiếp trải nghiệm hoạt động dạy và học trực tuyến trong một thời gian dài nhận thấy còn tồn tại rất nhiều bất cập từ khách quan đến chủ quan.
Về mặt khách quan, để có thể học trực tuyến, học viên, sinh viên, học sinh cần phải có mạng Internet, thiết bị hỗ trợ học tập như máy tính, laptop hay điện thoại thông minh và địa điểm học tập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải người học nào cũng đáp ứng được các điều kiện này. Trong đó, điều kiện mạng Internet và không gian học tập tác động lớn đến việc tiếp nhận thông tin bài giảng của người học. Thực tế, trong quá trình học trực tuyến, rất nhiều người học gặp phải vấn đề mạng Internet không ổn định, dẫn đến không nghe được giáo viên giảng bài, không xem được tài liệu giáo viên chia sẻ trong quá trình học.
Đồng thời, không phải người học nào cũng có điều kiện ở phòng riêng, việc vừa học trực tuyến vừa bị tác động từ những hoạt động sinh hoạt của người xung quanh khiến người học khó tập trung tiếp thu kiến thức, tư tưởng dễ bị phân tán. Ngoài ra, một bộ phận người học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi không có hoặc thiết bị học tập không đủ điều kiện cũng ảnh hưởng không nhỏ trong hoạt động dạy và học trực tuyến.
Về chủ quan, trong quá trình học tập theo hình thức truyền thống, giáo viên và người học trực tiếp trao đổi, hỏi đáp trong quá trình giảng dạy tại lớp học, tuy nhiên vấn đề này ở các lớp trực tuyến lại đang là bất cập lớn. Thực tế, giáo viên và người học bị giảm sự tương tác, trao đổi trong buổi học. Như vậy, sau một thời gian dài, người học có thể có tâm lý chán nản, không hứng thú với việc học, dẫn đến sử dụng các “thủ thuật” trên hệ thống học trực tuyến như tắt camera, treo ảnh hoặc video ảo để làm việc riêng, bỏ lớp học. Trong các lớp trực tuyến, đặc biệt là các giờ thảo luận, nhiều trường hợp phòng học trực tuyến hoàn toàn im lặng, khi giáo viên gọi tên người học để phát biểu, trao đổi thì chỉ nhận lại một bầu không khí im lặng, không ai đáp trả, kể cả người học vừa được gọi phát biểu.
Làm thế nào để học trực tuyến hiệu quả?
Hiện nay, việc kịp thời xác định những khó khăn, bất cập trong dạy và học trực tuyến là vô cùng quan trọng, là tiền đề tiên quyết góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như hiệu quả của hình thức đào tạo này.
Trong đó, để khắc phục tình trạng học viên, sinh viên, học sinh thụ động, chểnh mảng hay trốn các lớp học trực tuyến, giáo viên cần phải có hoạt động, giải pháp tương tác với người học nhiều hơn như yêu cầu người học bật camera trong suốt quá trình học, hỏi đáp liên tục các vấn đề liên quan đến bài giảng. Để tránh nhàm chán do nghe giảng bài liên tục, thầy cô giáo thay vì chia sẻ tài liệu, nội dung sách giáo khoa thì có thể tóm tắt nội dung bài giảng buổi học đó bằng các slide powerpoint với nhiều hình ảnh, video hấp dẫn, tối giản, cô đọng chữ viết, tận dụng các tính năng, hiệu ứng của phần mềm khiến bài giảng sinh động, bắt mắt và hấp dẫn hơn.
Bên cạnh việc truyền tải liên tục nội dung bài học, giáo viên có thể dựa trên những nội dung bài giảng xây dựng thành các trò chơi nhỏ cho người học tham gia để tạo hứng thú, tâm lý vui vẻ, dễ tiếp nhận kiến thức cũng như tăng sự tương tác giữa người học và giáo viên. Giáo viên dạy cũng cần quan tâm, sâu sát với người học, nếu cảm thấy người học nào chểnh mảng, không tập trung có thể trực tiếp trao đổi riêng qua các kênh khác như zalo, facebook, thậm chí là gọi điện thoại trao đổi với người học.
Trong các buổi học, giáo viên có thể ghi lại quá trình dạy học để gửi cho người học gặp sự cố về mạng Internet hay thiết bị phục vụ học tập sau mỗi buổi học để người học không bị mất kiến thức do những vấn đề khách quan.
Liên quan đến những điều kiện học trực tuyến, thiết nghĩ cần có những chính sách, hoạt động hỗ trợ kịp thời cho học viên, sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa, vùng núi không đủ điều học trực tuyến nhằm đảm bảo việc học tập của người học không bị đứt gãy.
Việc học trực tuyến là một trong những hình thức đào tạo hiện đại, tiên tiến và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, do đó hệ thống giáo dục Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm đào tạo trực tuyến từ các quốc gia khác, ứng dụng linh hoạt và phù hợp những kinh nghiệm, phương pháp đào tạo trực tuyến vào tình hình thực tế tại Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.