Trăn trở nghề đào tạo lái xe từ áp lực trong nghề

Tác giả: thùy dương

saosaosaosaosao
Lao động việc làm 01/05/2019 15:03

Chưa bao giờ vấn đề đào tạo lái xe lại “nóng” như trong thời gian gần đây, bởi hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng liên tục xảy ra liên quan đến người lái. Xã hội đồng loạt lên tiếng, phân tích bản chất và đưa ra câu hỏi đào tạo như thế nào mà có những người lái xe kém như vậy vẫn được cấp bằng? Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì mọi trách nhiệm đều đang được đổ dồn lên công tác đào tạo lái xe! Về vấn đề này, một người thầy dạy lái xe đã trải lòng những nỗi niềm về nghề, về cuộc sống với phóng viên Tạp chí GTVT.


Anh minh hoa
Ảnh minh họa

Chương trình đào tạo ảo

Sau nhiều lần trao đổi điện thoại và thuyết phục, cuối cùng PV cũng hẹn gặp được thầy Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) - một người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo lái xe. Trao đổi với PV, ban đầu thầy khá giữ kẽ, không muốn chia sẻ những trăn trở bấy lâu của mình vì sợ ảnh hưởng đến công việc và nơi làm việc. Đấu tranh tư tưởng khá lâu, thầy mới bắt đầu cởi mở hơn và cho biết những người làm công tác đào tạo lái xe hiện nay gặp rất nhiều áp lực, từ ngay chính chương trình học bất cập được đề ra bấy lâu nay. Theo đó, hiện nay việc đào tạo lái xe đang nằm ở mức sơ cấp nghề, chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành liên quan như Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ GTVT và do được quy vào hạng sơ cấp nghề nên toàn bộ chương trình đào tạo lái xe sẽ theo khung của một trường đào tạo nghề.

Cụ thể, với chương trình đào tạo thi bằng lái B2, học viên sẽ phải học một khóa liên tục kéo dài trong 92,5 ngày với 168 giờ lý thuyết gồm các môn học: Pháp luật giao thông đường bộ, Cấu tạo và sửa chữa thông thường, Nghiệp vụ vận tải, Đạo đức người lái xe và Văn hóa giao thông, Kỹ thuật lái xe và số giờ học thực hành là 420 giờ, tương đương với 1.043km.

Tuy nhiên trong thực tế, chương trình đào tạo lái xe ở hầu hết các trung tâm được rút ngắn đi rất nhiều và tùy thuộc vào sự thỏa thuận mức tiền học giữa thầy dạy và học viên.

“Với thời lượng học như chương trình đào tạo nghề đề ra thì không có một học viên nào sẽ đăng kí học và theo được. Chính vì vậy, để có học viên đi học, các trường hiện nay vẫn đang phải làm một hệ thống giấy tờ ảo để tuân theo chương trình đào tạo đó nhưng còn các thầy thì lại dạy theo thực tế, theo giá thị trường. Thử làm một bài toán, số kilomet mỗi người học theo chương trình là 1.043km. Làm phép tính đơn giản, nhân số kilomet học thực hành này theo giá taxi 10.000 đồng/01km thì số tiền đã rất lớn, chính vì vậy không một trường nào có thể đáp ứng theo chương trình dạy dài như vậy và học viên cũng không thể theo được”, thầy Thanh cho biết.

Hiện nay, hệ thống giấy tờ chạy ảo đằng sau mỗi học viên học lái xe vẫn tồn tại được vì hầu hết người học không hề biết về chương trình đào tạo này. Mỗi khi có nhu cầu học lái xe, các học viên thường sẽ gặp trực tiếp thầy giáo thông qua người quen hay số điện thoại được quảng cáo trên các trang website, mạng xã hội và từ đó được các thầy hướng dẫn thủ tục, giấy tờ liên quan và thỏa thuận học phí. Chính vì vậy, rất nhiều học viên dù học hết khóa cũng không biết trung tâm mình học nằm ở đâu.

Nhiễu loạn “thị trường” đào tạo lái xe

Chương trình đào tạo lái xe này đã có từ rất lâu và không còn phù hợp với thực tế nhưng các trường, trung tâm đào tạo vẫn bị áp phải tuân theo. Để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, các trường, trung tâm đào tạo vẫn phải đối phó giấy tờ chương trình đào tạo để tuyển được học viên. Việc chương trình đào tạo và thực tế giảng dạy không khớp nhau, không đồng bộ giữa các trường, trung tâm đã gây nên hiện tượng loạn giá học phí đào tạo sát hạch lái xe, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm đào tạo.

“Giá học lái do thầy và học viên tự thỏa thuận với nhau, thầy dạy tốt mà giá cao cũng không có học viên. Thực tế cho thấy, nếu một giáo viên dạy tốt thì thời gian thực hành lái của học viên khoảng 20 giờ đồng hồ. So với các nước châu Âu, số giờ đào tạo học viên thực hành cũng chỉ rơi vào từ 24 đến 30 giờ đồng hồ chứ không dài như theo chương trình của Việt Nam. Lịch học lái xe thực tế không được công khai đại chúng, học viên không biết và theo dõi”, thầy Thanh cho biết thêm.

Như chúng ta thường thấy, rất nhiều trung tâm đào tạo lái xe đăng quảng cáo trên facebook, trên các website học lái xe giá rẻ chỉ từ 4,5 đến 5 triệu đồng để thu hút học viên nhưng thực tế là với giá thành này, học viên chỉ được học thực hành từ 11 đến 15 giờ. Với mức phí thấp thì hầu hết học viên chỉ được tập trong bãi tập, ít khi được ra đường vì với chi phí đó chỉ đủ để tập trong bãi và để qua được kỳ thi, không đủ kinh phí chi trả cho thời gian ra đường tập.

“Vấn đề tiếp theo liên quan đến thị trường, đó là do mọi khóa học đều là sự thỏa thuận giữa học viên và thầy dạy nên nó không theo một chương trình đào tạo cụ thể nào. Với số tiền học phí càng thấp thì lượng giờ thực hành bị kéo xuống, như vậy làm sao có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra cho từng học viên?”, thầy Thanh phân tích.

“Không giáo viên nào là không muốn dạy tốt nhưng họ bị ràng buộc bởi rất nhiều thứ mà người ta không thể công bố. Giờ muốn thay đổi chất lượng đào tạo chỉ còn cách phải xóa bỏ toàn bộ hệ thống chương trình đào tạo cũ không hợp lý và xây dựng lại một chương trình khác thực tế hơn. Theo kinh nghiệm làm đào tạo của tôi thì thời gian thực hành lái xe phải đảm bảo từ 30 đến 40 giờ một học viên. Thời gian, chương trình cụ thể phải được công khai cho mọi học viên biết để học viên có thể dễ dàng theo dõi quyền lợi của mình và giám sát được thầy dạy, đồng thời sẽ tạo ra sự minh bạch, công khai trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe”, thầy Thanh mong muốn.

Ý kiến của bạn

Bình luận