Clip ghi lại thời điểm xảy ra tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách
Theo clip ghi lại thời điểm xảy ra tai nạn, sự việc xảy ra lúc 16h30 tại gần nút giao Pháp Vân, một xe khách mang BKS29B-078.43 đã bất ngờ va chạm với một xe cứu hoả chạy ngược chiều đang đi làm nhiệm vụ. Sự cố khiến một chiến sĩ PCCC hi sinh và 6 người khác bị thương. Phần đầu xe khách tông sâu vào bên trái thân xe cứu hoả. Được biết, xe chữa cháy đang di chuyển để cấp cứu nạn nhân trong một tai nạn khác trước đó.
Trên các diễn đàn, nhiều người dụng MXH bày tỏ sự thương tiếc với chiến sĩ PCCC đã hi sinh, “Xin chia buồn với các nạn nhân và đặc biệt là chiến sĩ hi sinh trên đường làm nhiệm vụ…” – Người dùng Long Lê viết.Bạn đọc Nguyễn Minh Quân bày tỏ: “Chia buồn cùng gia đình chiến sĩ đã hi sinh. Đây thực sự là một bài học cho mọi người khi tham gia giao thông…”
Vụ việc cũng gây nhiều ý kiến trái chiều về lỗi của các phương tiện trong sự việc trên. Nhiều người dùng MXH cho rằng xe cứu hỏa bất ngờ đi ngược chiều như vậy là không đúng. “Ra xe kiểu này thì xe khách làm sao mà dừng kịp, sao lại đi vào làn chạy thẳng, bó tay.” – người dùng Nguyenhien viết.
Cùng quan điểm đó, người dùng Tuan Dat Pham cho rằng: “Xe chạy trên cao tốc Pháp Vân toàn 100km/h, xe thì to đùng chạy cắt ù một cái ra giữa đường như thế, trời mưa phùn, mịt mù… thì tài xế hay thánh thần cũng phanh không kịp. Thử hỏi chạy gấp để cứu 1 người mà nguy hiểm cho hàng trăm người thì có bằng không?”.
Cư dân mạng tranh cãi về việc xe cứu hỏa có được phép đi ngược chiều trên đường cao tốc |
Bên cạnh đó, nhiều người dùng khác cũng cho rằng, trong Luật giao thông không có quy định xe ưu tiên được đi phép đi ngược chiều trên đường cao tốc. “Luật quy định quyền ưu tiên cho xe cứu hỏa, hộ đê, cấp cứu khi đang thực thi công vụ được đi vào đường ngược chiều nhưng không có quy định ngược chiều trên đường cao tốc nhé” – bạn đọc có tên Tu Tai Xe cho biết.
Mặt khác, nhiều người dùng nhận định lỗi thuộc về xe khách vì thiếu quan sát nên đã xảy ra sự cố đang tiếc. “Lỗi này thuộc về xe khách quá rõ rồi, lỗi không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát, nghề cảnh sát PCCC là thực sự nguy hiểm!” – người dùng Daoct viết. Trong khi đó, người dùng có tên laixe22banh lại đặt câu hỏi: “Đến giờ này tài xế còn không biết nhường xe ưu tiên như thế nào thì nên xem lại cách lấy bằng của các tài xế và các trung tâm cấp phép lái xe họ đã học và dạy như thế nào?”.
Trao đổi với PV, ông Lưu Bình Dương - Giám đốc TT tư vấn pháp luật và Chính sách, Viện Khoa học chính sách và pháp luật cho biết, xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ, kể cả đường cao tốc. Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, xe cứu hỏa được quyền đi vào làn đường ngược chiều khi làm nhiệm vụ.
Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Với các phương tiện khác đang lưu thông trên đường, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Trong trường hợp các phương tiện khác gây cản trở xe ưu tiên trên đường cao tốc có thể bị xử phạt từ 7.000.000 – 8.000.000 đồng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Luật Giao thông đường bộ 2008, điều 22: Quyền ưu tiên của một số loại xe 1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đ) Đoàn xe tang. 2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. 3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.