Những cây này có bán kính lớn từ 20-30cm, cao 4-5m ở đường Giải Phóng. |
Mấy ngày gần đây, khi đi trên một số tuyến đường như Láng Hạ, Tây Sơn, Xã Đàn, Giải Phóng… nhiều người dân Hà Nội tỏ ra lạ lẫm khi thấy những cây phượng có bán kính lớn từ 20-30cm, cao 4-5m được trồng thành hàng dài trên giải phân cách giữa hai làn đường.
Được biết, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã trồng những hàng cây phượng trên. Theo quan sát của chúng tôi, khoảng cách giữa các cây cách nhau chừng hơn 3m. Tại dải phân cách trên phố Xã Đàn có đoạn cây phượng còn được trồng thành 3 hàng.
Sự thay đổi này đã khiến nhiều người dân tỏ ra khá thích thú bởi họ nghĩ trong tương lai chúng sẽ phát huy công dụng che mưa, che nắng và làm đẹp tuyến đường. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng không ít người khá băn khoăn và lo ngại về các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Hà Nội có thể trở thành "thành phố hoa phượng đỏ" thứ 2
Ngay sau khi hàng phượng được trồng, rất nhiều người tỏ ra hào hứng và phấn khởi đặc biệt là những người thường xuyên đi qua tuyến đường này. Họ hy vọng những cây phượng sẽ góp phần tạo nên một không gian và cảnh quan mới cho những tuyến đường tại đây, đồng thời có thể che mưa, che nắng vào các mùa nóng, mùa mưa trong năm.
Nhìn hàng phượng được trồng ngay ngắn trên các tuyến phố, chị Trần Ngọc Linh (32 tuổi ở quận Đống Đa) tỏ ra thích thú cho biết, những cây phượng to như trên được trồng chẳng mấy chốc tạo thành tán rồi ra hoa đỏ rực.
"Chắc một hai năm nữa dọc tuyến đường này phượng tạo thành tán mát cho những ngày hè. Hơn nữa hoa phượng đỏ rực giữa đường, có lẽ Hà Nội sẽ trở thành "thành phố hoa phượng đỏ" thứ 2 chỉ sau TP Hải Phòng. Cả hàng cây phượng đến mùa hè nở hoa đỏ rực cũng khiến tuyến đường tươi mới và khác lạ hơn", chị Ngọc Linh cho hay.
Cùng chung tâm trạng với chị Linh, anh Hoàng Hà (trú tại Xã Đàn) chia sẻ: "Mấy hôm nay chúng tôi hào hứng lắm, thấy các cây mới trồng mà tâm trạng phấn khởi hẳn ra. Bình thường vào những ngày mùa hè, trời oi bức và nắng nóng, đi qua các tuyến đường này rất kinh khủng. Một thời gian nữa khi những cây này lớn lên sẽ tạo ra bóng mát khiến việc đi đường không còn là nỗi lo sợ với người dân nữa".
Bên cạnh sự thích thú, nhiều người dân lại lo sợ rằng việc trồng phượng trên dải phân cách giữa đường chưa thực sự hợp lý bởi phượng rất giòn, dễ gãy mỗi mùa mưa bão. Hơn nữa tán phượng mọc thấp dễ ảnh hưởng đến phương tiện tham gia giao thông.
"Trồng phượng rất đẹp, bản thân tôi rất thích ngắm hoa phượng nhất là khi đi dọc sông Tô Lịch như đường Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ… thời gian hoa đỏ rực. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người rất yêu thích nhưng việc trồng giữa dải phân cách tôi sợ cành cây dễ gãy gây nguy hiểm cho nhiều người mỗi mùa mưa bão hay gió lớn", anh Nguyễn Văn Mạnh (41 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) tỏ ra băn khoăn.
Theo anh Mạnh, không những thế anh cho rằng phượng là cây rễ chùm rất dễ đổ và không bám chắc đất. Hơn nữa đến mùa rụng lá cây trơ trọi. "Ngoài ra, mùa hè phượng lá bé cũng không đủ che mát cho người đi đường. Có thể thay thế bằng cây tán rộng, chắc chắn thì hơn", anh Mạnh bày tỏ quan điểm.
Cũng trong tâm trạng băn khoăn, chị Hải Chi (Láng Hạ) lo lắng: "Cây phượng thì cành rất yếu, tán cây thường xòa xuống đường, cần phải cắt tỉa thường xuyên. Ngoài ra dù cây dễ sống nhưng phượng không chịu được úng ngập. Mà thời tiết Hà Nội vào những mùa mưa dễ gây ngập, như trận lụt vừa rồi khủng khiếp như thế không biết những cây phượng này có chịu được không".
Những cây phượng được trồng dọc dải phân cách trên đường Xã Đàn. |
Ý kiến của các chuyên gia
Liên quan đến vấn đề trên, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam cho biết, đặc tính cây phượng là tán lá phát triển ngang, không vươn lên cao, gỗ phượng giòn dễ gãy nên khi trồng phải đảm bảo tỉa cành thường xuyên, nếu không cành phát triển lòa xòa sẽ rất vướng, dễ gãy đổ.
"Phượng chỉ phù hợp với đất giàu dinh dưỡng, ẩm nhưng phải thoát nước tốt, nếu trồng trên phố phải đảm bảo hệ thống cống nước ngầm. Đồng thời cho rằng việc trồng cây vào mùa nắng nóng này chưa hợp lý sẽ khiến cho cây khó phát triển, thậm chí có thể chết khô", ông Hiệp nói.
Về việc trồng phượng ở giữa dải phân cách, ông Hiệp cho rằng cơ quan chức năng Hà Nội trước khi trồng có thể cũng đã có tính toán. "Có thể họ tính trồng ở giữa cây sẽ tỏa tán ra 2 bên, nơi trồng chắc hệ thống cống nước ngầm không nhiều, có đất. Trồng phượng gốc phải đào ít nhất 80cm, gốc cũng phải 60cm vì rễ cây cũng phát triển nhiều", ông Hiệp phân tích.
Trước thông tin trên, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, việc trồng hàng phượng trên nằm trong chuỗi Chương trình của UBND TP, Thành ủy từ năm 2016-2020 phấn đấu trồng thêm 1 triệu cây xanh trên địa bàn Thủ đô.
Về việc nhiều người lo lắng trồng phượng trên dải phân cách chưa thực sự hợp lý, ông Hưng cho biết: "Trên địa bàn TP Hà Nội việc trồng cây trên dải phân cách như thế không phải lần đầu tiên, rất nhiều tuyến đường cũng đã trồng cây trên dải phân cách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Phượng được trồng trên dải phân cách ở đường Thanh Niên cũng khá lâu rồi. Các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang cũng đã trồng. Vì thế, đây không phải lần đầu tiên trồng phượng ở dải phân cách".
Theo ông Hưng, trước đây, công việc cắt tỉa chủ yếu thực hiện khi mùa mưa bão tới gần nhưng bây giờ thành phố có chủ trương duy trì thường xuyên và cắt tỉa quanh năm. "Trồng cây phượng không phải ngày một ngày hai mà phải mất thời gian dài cây mới phát triển, xòe tán được và khi nào kiểm tra tán cây dài gây ảnh hưởng thì chúng ta sẽ cắt tỉa đó là công việc bình thường", ông Hưng nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.