Phối cảnh sân bay Quảng Trị |
Nhiều lý do để địa phương “xin” sân bay
Thời gian qua, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ GTVT được đưa sân bay vào quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới. Đây là nhu cầu nội tại của địa phương mong muốn thu hẹp khoảng cách về không gian, thời gian, phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Trao đổi với Tạp chí GTVT về đề xuất mở rộng xây dựng sân bay lưỡng dụng Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Tấn Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã mời đơn vị tư vấn để báo cáo về kế hoạch thực hiện lập dự án sân bay Técníc Hớn Quản, hiện khu vực đất dự kiến mở rộng đang là đất công, việc đề xuất dự án kiến nghị theo hình thức đối tác công - tư”.
Theo ông Hùng, lý do tỉnh Bình Phước muốn xây dựng sân bay lưỡng dụng là nhằm chuyển hướng phát triển mạnh công nghiệp, trong đó tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng mở rộng và quy hoạch mới nhiều khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, việc sân bay ra đời với kỳ vọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Tỉnh Hà Giang vừa qua cũng đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng của tỉnh đặt tại huyện Bắc Quang, khai thác cả dân sự và quân sự với diện tích 388 ha. Trong đó, phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho biết, việc đầu tư xây dựng sân bay là chủ trương lớn, tạo bước đột phá, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tương tự, tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị được đưa sân bay Kép thành sân bay lưỡng dụng để vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.Đối với Ninh Bình, địa phương này được ví như “Hạ Long trên cạn” với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Theo thống kê, năm 2019, Ninh Bình đã đón 7,65 triệu lượt khách đến, trong đó khách nội địa có 6,68 triệu lượt khách, khách quốc tế có 970 nghìn lượt khách, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng.
Khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Mạng lưới giao thông tỉnh chưa có phương thức vận tải tốc độ cao. Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh, thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của Ninh Bình. Được biết, hai vị trí mà tỉnh Ninh Bình đề xuất nghiên cứu quy hoạch tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.
Đảm bảo hiệu quả đầu tư, phù hợp với quy hoạch
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, sân bay Quảng Trị được xác định là dự án có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Sân bay được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi trong xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế Đông Nam, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh trong công tác tuần soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo khu vực miền Trung và vịnh Bắc bộ, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển Đông”, ông Tiến cho biết.
Hàng loạt đề xuất quy hoạch sân bay không được chấp thuận Trong báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không trình Bộ GTVT đầu tháng 5 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030; đến năm 2050 bổ sung thêm sân bay Cao Bằng. Như vậy, đề xuất quy hoạch sân bay trước đó của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều chưa được chấp thuận. Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn đã đưa ra 6 tiêu chí chính, 22 tiêu chí chi tiết để xem xét quy hoạch cảng hàng không mới. 6 tiêu chí là dự báo nhu cầu sản lượng hành khách, vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên và tiếp cận đường bộ với trung tâm đô thị. Trong 6 tiêu chí này, nhu cầu về sản lượng, điều kiện tự nhiên là quan trọng nhất. Trên cơ sở các tiêu chí, từng sân bay được đơn vị tư vấn tính toán theo các thang điểm. |
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc đầu tư sân bay dù bằng nguồn vốn nào thì cũng là nguồn lực quốc gia, nếu đầu tư mà khai thác không hiệu quả thì sẽ lãng phí nguồn lực, trong khi ngành Hàng không đang gánh chịu hàng loạt tác động xấu của dịch Covid-19 cũng như mới đây nhiều địa phương cũng đề xuất xây dựng sân bay. Lấy ví dụ của Ninh Bình khi tỉnh này nằm rất gần các cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội, cách 120 km) và cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa, cách 90 km). Chưa kể tới đây, Thọ Xuân cũng được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn 2021 - 2030 và có chức năng dự bị cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, do đó việc đầu tư có thật sự cần thiết?
Theo quan điểm của Bộ GTVT về quy hoạch ngành về GTVT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 thì cần phát huy thế mạnh ngành Hàng không trong vận tải hành khách và hàng hóa có cự ly trung bình đến dài và tác động lớn đối với hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới; bảo đảm an ninh - quốc phòng, chủ quyền vùng trời. Hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được quy hoạch đảm bảo các yếu tố về địa lý, dân số, nhu cầu phát triển vùng miền; bảo đảm quốc phòng - an ninh, khẩn nguy cứu trợ, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; kết nối hiệu quả giữa hàng không trong nước với khu vực và quốc tế. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; ưu tiên nguồn lực nhà nước phát triển các cảng hàng không, sân bay lớn đóng vai trò đầu mối tại trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.