Trật tự ATGT chuyển biến tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tác giả: V. Huế - K. Lê

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 12/12/2022 14:34

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 11 tháng đầu năm 2022, tình hình trật tự ATGT đã có những chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019...


... Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2022, các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp đảm bảo trật tự ATGT.

Trật tự ATGT chuyển biến tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm tra kích thước thùng xe đối với phương tiện vận tải

TNGT giảm cả 3 tiêu chí

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tình hình trật tự ATGT 11 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/11/2022), trên địa bàn cả nước xảy ra 10.323 vụ TNGT, làm chết 5.800 người, bị thương 6.973 người. So với 11 tháng đầu năm 2019 (không so sánh với năm 2020, 2021 vì đây là khoảng thời gian giãn cách xã hội, người và phương tiện ít tham gia giao thông - PV) giảm trên cả 3 tiêu chí, giảm 5.562 vụ TNGT, giảm 1.175 người chết và giảm 5.171 người bị thương. So với 11 tháng đầu năm 2021, số vụ TNGT lại tăng 170 vụ (1,67%), tăng 656 người chết (12,75%), giảm 88 người bị thương (-1,25%)...

Theo TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, để thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các phương tiện truyền thông đại chúng và các địa phương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Từ những nỗ lực và các giải pháp đồng bộ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Việc chọn và xác định chủ đề Năm An toàn giao thông 2022 là "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" rất sát với thực tiễn, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng cần nghiêm túc phân tích nguyên nhân của các vụ TNGT, cũng như các tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đánh giá đúng thực chất để đề ra những phương hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, các địa phương phải đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư, nâng cấp và kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên khắc phục các "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT. Các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT, kế hoạch năm ATGT 2022 của địa phương; ưu tiên kiểm tra, xử lý người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm hành vi chở hàng hóa quá tải trọng.

Các lực lượng chức năng tăng cường sử dụng cân xách tay kiểm soát tải trọng xe ô tô tải chở hàng hóa tại vị trí lối ra/vào các đầu mối tập kết vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản chưa lắp đặt cân kiểm tra khối lượng, xử lý nghiêm lái xe, chủ xe và người xếp hàng lên xe có hành vi vi phạm; không cấp mới, gia hạn giấy phép đối với các mỏ khoáng sản không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 158.

Ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT chủ động xây dựng và triển khai 3 Kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm trật tự ATGT. Đặc biệt, Bộ Công an, Bộ GTVT và các địa phương đã đồng loạt ra quân kiểm tra nồng độ cồn, kiểm soát tải trọng xe... Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự, ATGT được giữ vững, kịp thời ngăn chặn những hành vi gây mất ATGT.

Một yếu tố rất quan trọng có tác động tích cực đến công tác đảm bảo trật tự ATGT là việc đầu tư, xây dựng, phát triển kết và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là các công tác tổ chức giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tập trung xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, điều tiết giao thông các vị trí xung yếu trên đường thủy... nhằm đảm bảo điều kiện an toàn cho mạng lưới KCHTGT từ Trung ương đến địa phương.

Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đã kịp thời chuyển đổi nội dung và hình thức tuyên truyền, đặc biệt là áp dụng hình thức tuyên truyền trực tuyến, tuyên truyền trên các nền tảng kỹ thuật số, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về trật tự ATGT cũng như hạn chế việc lây nhiễm dịch Covid-19 trong quá trình tham gia giao thông.

Mở cao điểm, xử lý theo chủ đề

Trao đổi với Tạp chí GTVT, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, tuy tình hình TNGT năm 2022 có giảm, song để tiếp tục kéo giảm TNGT và tạo điểm nhấn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Công an đã tổ chức cao điểm xử lý vi phạm trật tự ATGT. Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy; kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; phòng ngừa, làm giảm UTGT; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông; ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp cuối năm, lễ Noel năm 2022, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023.

Theo kế hoạch, lĩnh vực đường bộ sẽ tập trung xử lý xe cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải trọng, chạy quá tốc độ, nồng độ cồn, ma túy..., đặc biệt là có phương án bảo đảm việc vận chuyển hành khách dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không để xảy ra tình trạng xe khách "nhồi nhét" khách; sử dụng triệt để các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, UTGT.

Trên các tuyến đường sắt, lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chống vận chuyển hàng cấm, chất cháy, nổ, vận chuyển hàng gian lận thương mại. Lực lượng chức năng phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt...

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa tập trung xử lý các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm; các cảng, bến chưa được công bố hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động... Các hành vi tập trung xử lý gồm: chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, vi phạm điều kiện hoạt động của phương tiện; vi phạm các quy định về thuyền viên, người lái phương tiện; vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản; vi phạm về cảng, bến, quy định về vận tải hàng hóa, hành khách.