Tết Trung Thu là một ngày Tết riêng dành cho trẻ em. Những đứa trẻ hồn nhiên bên mâm cỗ Trung thu, háo hức nhận quà, mang đến cho cả gia đình không khí ấm áp và hạnh phúc. Nhưng ở một góc khuất nào đó quanh ta vẫn còn những đứa trẻ kém may mắn hơn. Trung thu đối với các em là một niềm mơ ước, thậm chí có những em còn không biết Trung thu là gì. Đó chính là những đứa trẻ sinh ra ở vùng cao.
Đến xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vào dịp gần ngày rằm tháng 8 tôi mới cảm nhận rõ hơn về cái Tết Trung thu nơi đây. Đó là sự khác biệt quá lớn. Vào thời điểm này ở Hà Nội, phố phường được trang hoàng đủ sắc màu, đặc biệt là phố Hàng Mã. Phố Hàng Mã rực rỡ đèn hoa và tấp nập người qua lại với các món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đầu sư tử, trống, các loại đồ chơi hiện đại, tràn đầy không khí rộn ràng mùa lễ hội. Những đứa trẻ được bố mẹ đưa tới đây mua đồ chơi, sắm sửa cho nhiều thứ đồ mới và được phá cỗ linh đình với đủ loại bánh trung thu đặc sắc, kẹo, hoa quả.
Còn tại nơi vùng cao này, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi so với ngày thường. Trong không khí mùa thu, các cửa hàng tạp hóa ven đường hầu như vắng bóng các mặt hàng trung thu, có chăng chỉ là thêm một số mặt hàng như bánh nướng, bánh dẻo và một vài đồ chơi, với mấy kiểu mẫu mã lèo tèo nhưng không mấy người dừng lại chọn mua. Người dân vẫn họp chợ với những mặt hàng phục vụ sinh hoạt thường ngày.
Không giống như trẻ em thành phố, những đứa trẻ vùng cao chịu nhiều thiệt thòi vì sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, thậm chí phải nhọc nhằn mưu sinh cùng gia đình. Hình ảnh dễ bắt gặp trên mọi nẻo đường khi đến với thôn, bản vùng cao là những em bé chân đất, đầu trần với sự hồn nhiên vốn có. Đặc biệt nhất có lẽ là đôi mắt trong veo, nụ cười tươi rạng rỡ trên gương mặt lấm lem, vừa ngây thơ, vụng dại lại vừa mang vẻ cứng cỏi trong lam lũ.
Có lẽ, khi cái ăn cái mặc chưa thể đủ đầy thì dường như những khát khao về một Tết Trung thu vẫn còn xa vời với những em nhỏ vùng cao. Đối với các em, một chiếc bánh trung thu, một bộ quần áo mới hay chỉ là một chiếc đèn lồng đôi khi cũng chỉ dừng lại ở ước mơ mà thôi.
Vào dịp này, một số tổ chức, đoàn thể như đoàn thanh niên, công đoàn các cơ quan, đơn vị hay các tổ chức từ thiện cũng lên đây để tổ chức Trung thu cho các em nhỏ tại một số điểm trường học nội trú. Khi được thông báo tới tham dự buổi phá cỗ do các anh chị tình nguyện viên tổ chức tại trường học, ngay từ rất sớm các em được sửa soạn những bộ quần áo đẹp nhất tới trường. Trên gương mặt các em không giấu nổi niềm vui, bẽn lẽn khi chờ đợi giây phút được phá cỗ, xem các chương trình văn nghệ.
Có lẽ không bạn nhỏ nào mà không mê bánh kẹo, nhất lại là loại chưa được nếm bao giờ nên khi được phát kẹo, bổ bánh, cho dù có nhút nhát không dám nói lời nào nhưng nét mặt các em đều lộ rõ vẻ háo hức. Mỗi đứa mỗi vẻ, có đứa cầm được miếng bánh thì háo hức ăn ngay, có đứa cầm nhìn mãi, ngắm mãi rồi mới chậm rãi thưởng thức. Niềm vui trẻ thơ đơn giản lắm, chúng dâng lên trong ánh mắt, trong nụ cười giòn tan, trong cái gật đầu khi được người lớn hỏi “có ngon không con?”.
Không chỉ riêng những em nhỏ ở Háng Đồng mà còn rất nhiều, rất nhiều em nhỏ ở nhiều lớp học điểm bản vùng cao, Tết Trung thu chỉ đơn giản là túi bim bim, vài cái kẹo mà phần nhiều là do thầy, cô giáo tự bỏ tiền túi mua và chia cho học sinh vào cuối giờ học. Không đủ đầy về vật chất so với các bạn ở thành phố, thị trấn, nhưng đổi lại Trung thu vùng cao ấm áp tình yêu thương, sự tận tâm, tận tình của các thầy, cô giáo vùng cao - những người đang ngày đêm gắn bó miệt mài “gieo chữ” giúp các em trưởng thành. Để các em có những “Đêm hội trăng rằm” đủ đầy với đèn ông sao, chú Cuội, chị Hằng và nhiều trò chơi dân gian sôi động, cỗ trông trăng hơn nữa... thì có lẽ rất cần đến sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, những tấm lòng hảo tâm
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.