Trong 6 tháng đầu năm nay có 657 trẻ em bị tử vong do đuối nước. |
Xót xa nỗi đau mang tên đuối nước
Theo Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn thế giới có 900.000 ca tử vong trẻ em, tương đương với 2.000 em tử vong mỗi ngày, 100 trẻ em chết mỗi giờ. Trong đó, 60% tai nạn thương tích gây tử vong ở trẻ em dưới 18 là do tai nạn đuối nước, TNGT đường bộ, bỏng do lửa, ngã hay ngộ độc.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2013 có khoảng 3.000 trẻ em và người chưa thành niên từ 0-19 tuổi bị tử vong do đuối nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình đuối nước trẻ em chưa giảm, theo báo cáo của 52/63 tỉnh thành phố có 1.345 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích trong đó có 657 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích, tiếp theo là TNGT (24%), điện giật (4%), ngộ độc (2%), ngã (2%), hóc (1%), súc vật căn (1%) và các nguyên nhân khác.
Xót xa vụ đuối nước khiến 9 nam sinh trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) ngày 15/4. |
Tai nạn đuối nước ở trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, tinh thần, kinh tế, đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Hậu quả về kinh tế tuy lớn những vẫn có thể khắc phục được, nhưng hậu quả về mặt tinh thần, tâm lý thì rất nặng nề và kéo dài trong nhiều năm cho những người mẹ, người cha, có khi suốt cả cuộc đời, nhất là những trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước vì sự bất cẩn, sao nhãng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Trong năm nay, dư luận xã hội đã nhiều lần bàng hoàng xót thương với những vụ chết đuối thương tâm. Vào 15/4 tại khu vực sông Trà Khúc, thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, tỉnh Quảng Ngãi, 9 học sinh lớp 6 đã tử vong trước những nỗ lực ứng cứu của người dân địa phương. Theo nhận định do ban đầu, 1 bạn em sảy chân ngã xuống hồ sâu, nhóm bạn đổ xô xuống ứng cứu rồi đều bị đuối nước.
Gần 3 tháng sau, vào ngày 4/7 tiếp tục lại có 1 vụ đuối nước thương tâm tại thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Nguyên nhân được xác định là do trời nóng, có 2 em nhỏ xuống tắm ao trước gặp phải hố sâu rồi chới với cầu cứu. Thấy vậy, 3 em khác chạy đến đưa tay định kéo 2 bạn lên bờ, nhưng cũng bị nhào xuống. Hậu quả cả 5 em đều chết đuối.
Yếu kém về nhận thức
Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước xuất phát từ nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và cộng đồng, đặc biệt là của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế.
Trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn khi tham gia vui chơi trong môi trường nước chính là nguyên nhân bản chất về vấn nạn đuối nước. |
Sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ; thiếu sự quan tâm, giám sát con cái của các gia đình và nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn thấp. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đánh giá: “Thực trạng đáng buồn hiện nay là chỉ có 30% trẻ em từ 6 – 14 tuổi biết bơi (tính trong năm 2015). Do đó, trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn khi tham gia vui chơi trong môi trường nước chính là nguyên nhân bản chất về vấn nạn đuối nước này”.
Học sinh tại các vùng sông nước đi học còn vi phạm quy định ATGT đường thủy. |
Về phía quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Đường thủy nội địa, Cục ĐTNĐ Việt Nam khẳng định, ý thức chấp hành các quy định an toàn trong vận tải đường thủy còn chưa cao. Các bến và phương tiện vận chuyển khách, đặc biệt đưa học sinh tại các vùng sông nước đi học còn vi phạm quy định ATGT đường thủy.
“Việc giám sát thực hiện công tác phòng chống đuối nước trẻ em còn chưa chặt chẽ. Còn thiếu một số các quy định cụ thể của pháp luật đối việc xử phạt khi gây tai nạn đuối nước trẻ em. Sự quan tâm đầu tư nguồn lực của nhà nước và địa phương cho công tác phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em nói chung còn hạn chế”, Ông Trần Sỹ Duy - Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục ĐTNĐVN cho hay.
Trên thực tế, công tác truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích nói chung và phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng còn hạn chế. Công tác thông tin tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới hải đảo còn gặp khó khăn. Hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đội ngũ tuyên truyền viên tại cộng đồng còn thiếu.
Cần tăng cường các giải pháp cải tạo môi trường sống để phòng tránh đuối nước |
Đặc biệt là môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Đa số các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.
Khẩn thiết trang bị kỹ năng tránh đuối nước
Ông Lê Văn Minh, Bác sỹ tàu SAR 411, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải chia sẻ, hiện nay, gia đình, nhà trường và xã hội đã dành sự quan tâm hơn đến vấn đề đuối nước. Nhưng tốt hơn hết, mỗi em nhỏ chủ động hơn trong việc tự trang bị cho mình kỹ năng để giữ cho mình được an toàn trong môi trường nước cũng như để giúp đỡ người khác như nắm rõ những quy tắc tránh đuối nước; kỹ năng cứu người đuối nước và sơ cứu người đuối nước.
Các dụng cụ đựng nước trong gia đình như giếng, bể, lu chứa nước… cần làm các nắp đậy an toàn và khóa cận thận. |
Trong đó, việc phòng ngừa luôn là yếu tố then chốt nhất để giảm thiểu nguy cơ bị đuối nước. Cụ thể, đối với những hồ nước quanh nhà hoặc nơi công cộng cần được xây dựng rào chắn xung quanh. Đối với các dụng cụ đựng nước trong gia đình như giếng, bể, lu chứa nước… cần làm các nắp đậy an toàn và khóa cận thận. Những nơi nước sâu, nguy hiểm cần được phải có biển báo....
Khi tham gia giao thông đường thủy hãy luôn mặc áo phao, chỉ lên thuyền, đò khi có đủ chỗ cho mình, không chen lấn xô đẩy và đùa nghịch khi đi thuyền, đò. Đồng thời ngồi trật tự tại chỗ của mình, cần nghiêm túc tuyệt đối và tuân theo qui định an toàn trên tàu, thuyền.
Khi tiếp cận nạn nhân đuối nước, chúng ta phải tiếp cận từ sau lưng nạn nhân |
Cũng theo Bác sỹ Minh, rất nhiều vụ đuối nước trở nên đặc biệt nghiêm trọng bởi những người cứu đuối nước không đúng cách và trở thành những nạn nhân tiếp theo. Về cứu đuối nước đúng cách, Bác sỹ Minh nhấn mạnh, chỉ trực tiếp xuống cứu đuối khi có kỹ năng bơi thạo và biết cách cứu đuối hoặc khi các biện pháp cứu đuối gián tiếp không có hiệu quả (nạn nhân quá nhỏ nên không biết bám vào sào, nạn nhân sắp chìm, xung quanh không có dụng cụ nổi…).
Khi tiếp cận nạn nhân đuối nước, chúng ta phải tiếp cận từ sau lưng nạn nhân với khoảng cách từ 1 đến 3m rồi dùng chân hoặc tay đẩy nạn nhân từ từ vào khu vực an toàn. Tuyệt đối không cho nạn nhân chạm vào người mình trong tư thế đối mặt. Khi nạn nhân gần chìm, hãy túm lấy nạn nhân từ phía sau, ngửa mặt nạn nhân lên khỏi mặt nước rồi từ từ đưa vào bờ.
Mỗi em nhỏ chủ động hơn trong việc tự trang bị cho mình kỹ năng để giữ cho mình được an toàn trong môi trường nước |
Để phòng, chống tại nạn, thương tích cho trẻ em hiệu quả; vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Việc trang bị kỹ năng bơi lội cho các em là rất cần thiết nhưng để phòng, chống đuối nước cho trẻ một cách hiệu quả nhất; các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em, sử dụng trang thiết bị an toàn cho trẻ em khi hoạt động trên sông nước, tạo môi trường học tập và sân chơi lành mạnh cho trẻ em; đừng để những sự việc đuối nước thương tâm xẩy ra vì sự thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn; sự thơ ơ của chính chúng ta.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.