Trên 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
Xã hội 26/12/2019 06:46

Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, có nghĩa là cứ 02 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 01 người hút thuốc lá, tỉ lệ này ở nữ giới là 1,1%.

 

14.11.2019 TT Son anh 1-1
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đến nay trung bình hơn 90% CB, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật

Chuyển biến rõ rệt

Trong thống kê trên, 53,5% người không hút thuốc lá (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình; 18,5% người không hút thuốc lá (tương đương 1,4 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng… Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới trên 23.000 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng những con số này đã giảm so với thống kê năm 2010. Tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại các địa điểm từ gia đình đến nơi làm việc, trường học và các địa điểm giao thông công cộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Trong 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, đó là 90% CB, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, ban, ngành và 65% người dân các tỉnh, huyện, xã được tiếp cận thông tin về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhận thức và thái độ của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng lên rõ rệt và có chuyển biến tích cực trong hành vi, thay đổi hành vi, hầu như không còn tình trạng mời, ép buộc, tặng và biếu quà bằng thuốc lá.

Đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường hiểu học, 2.502 trường THCS, 1.010 trường THPT thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà; 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà…

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 năm qua đã có 195.000 CNVC, lao động bỏ thuốc lá, hơn 200.000 đoàn viên, CNVC giảm hút thuốc lá. Báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ phơi hiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa phương: tại gia đình giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc từ 55,9% xuống còn 42,6%, tại cơ sở y tế từ 23,6% xuống 18,4%...

Tương tự, sau 5 năm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành và đi vào cuộc sống, đến nay trên 90% các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành GTVT thực hiện nghiêm quy định nơi làm việc không hút thuốc lá. Hiện nay, tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế ngành GTVT đều thực hiện và ký cam kết xây dựng “Bệnh viện không khói thuốc”. Các nhà ga, bến tàu, bến xe cũng xây dựng mô hình không khói thuốc, có khu vực riêng dành cho người hút thuốc. Các phương tiện giao thông công cộng không khói thuốc như trên các tuyến xe buýt, xe khách...

Nhưng không được phép chủ quan

maxresdefault
Phổi của những người hút thuốc lá. Ảnh minh họa

Bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi hành luật, liên quan đến các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính chưa được thực hiện nghiêm; việc triển khai môi trường không thuốc lá tại những nơi cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn chưa đạt hiệu quả tốt; tình trạng khuyến mãi, tài trợ thông qua thuốc lá vẫn còn…

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2013. Qua tổng kết, đánh giá 5 năm thi hành, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng, quản lý chặt thuốc lá làm nóng. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá.

Để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ…

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Sử dụng các sản phẩm thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới…

Trên thế giới, có khoảng 6 triệu người chết do hút thuốc lá hằng năm và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.

Ý kiến của bạn

Bình luận