Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Nói điều này tại buổi họp báo chiều 19/7, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, ngoài những mặt tích cực, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.
Ngoài ra, trong khi thực hiện, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan, phí kiểm tra một số mặt hàng vẫn cao.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng nhắc tới vấn đề là số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2017, số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu chiếm 19,4%.
Theo Thứ trưởng, để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.” Hội nghị này dự kiến sẽ diễn ra trong vào 24/7.
Đây là hội nghị theo Thứ trưởng sẽ tổng kết lại kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành.
Dự kiến, sau hội nghị, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện trình Chính phủ nghị định và kế hoạch hành động về “thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.”
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, theo kế hoạch, tới cuối năm 2018, cơ quan chức năng sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số thủ tục lên con số 196.
Thứ trưởng khẳng định, theo chức năng từng bộ, ngành, các đơn vị phải triển khai thực hiện khi đã có chương trình hành động. Các bộ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
“Nếu các bộ, ngành chậm không thực hiện thì Bộ trưởng các bộ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,” Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.