Hàng loạt giải pháp ngăn rủi ro đường cất hạ cánh sau vụ tai nạn máy bay ở Nhật

Tác giả: Bình Minh

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/01/2024 06:31

Sau vụ tai nạn hàng không xảy ra ngày 2/1/2024 tại sân bay Quốc tế Haneda Nhật Bản, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chỉ đạo và yêu cầu tăng cường các biện pháp/giải pháp đảm bảo an toàn đường cất hạ cánh (CHC), đặc biệt ngăn ngừa rủi ro xâm nhập đường cất hạ cánh.

Hàng loạt giải pháp ngăn rủi ro đường cất hạ cánh sau vụ tai nạn máy bay ở Nhật- Ảnh 1.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chỉ đạo và yêu cầu tăng cường các biện pháp/giải pháp đảm bảo an toàn đường cất hạ cánh (CHC), đặc biệt ngăn ngừa rủi ro xâm nhập đường cất hạ cánh.

Theo thông tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), ngay sau khi nắm thông tin về vụ tai nạn máy bay ngày 2/1/2024 tại sân bay Quốc tế Haneda (Nhật Bản) giữa tàu bay A350 của Japan Airlines và tàu bay DHC-8 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, lãnh đạo VATM đã chỉ đạo kịp thời Cơ quan an toàn của Tổng công ty nghiên cứu và đưa ra các biện pháp/giải pháp nhằm chủ động trong công tác đảm bảo an toàn đường CHC (Runway Safety), đặc biệt ngăn ngừa rủi ro xâm nhập đường CHC (Runway Incursion).

Trước đó, ngày 4/1/2024, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam triển khai đồng bộ cho các Công ty Quản lý bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam quán triệt thực hiện các biện pháp/giải pháp đảm bảo an toàn đường CHC đến toàn bộ lực lượng KSVKL thuộc các Trung tâm Tiếp cận-Tại sân và Đài KSKL địa phương, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đường CHC.

Cụ thể: Tăng cường quan sát khu vực đường CHC, đường lăn, theo dõi chặt chẽ tàu bay trong giai đoạn chạy đà, cất cánh, tiếp cận hạ cánh, xả đà để kịp thời thông báo cho tổ lái khi phát hiện các bất thường. Sử dụng tối đa các trang thiết bị sẵn có (SMR, MLAT, đầu cuối ATM) để giám sát chặt chẽ việc tuân thủ huấn lệnh của tổ lái, đặc biệt khi tàu bay đến các điểm Hotspots và các điểm đã xảy ra các sự cố nhầm lẫn.

Tập trung trong việc nghe và nhắc lại huấn lệnh của tổ lái; khi có bất cứ nghi ngờ hoặc không nghe rõ tổ lái nhắc lại, phải làm rõ lại nội dung huấn lệnh, nhấn mạnh nội dung cần làm rõ hoặc sử dụng thuật ngữ "I say again" rồi nhấn mạnh nội dung cần làm rõ để thức tỉnh, thu hút sự tập trung của tổ lái.

Trong khả năng có thể thực hiện được, cung cấp thông tin tàu bay liên quan (traffic information) để đảm bảo tổ lái hiểu rõ huấn lệnh và thực hiện đúng huấn lệnh.

Sử dụng hệ thống đèn STOP BAR đúng quy định khi cấp các huấn lệnh lên đường CHC, cắt qua đường CHC, … nhằm ngăn ngừa rủi ro xâm nhập đường CHC.

Nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng, hỗ trợ hiệu quả giữa các vị trí trong kíp trực: trực kíp trưởng thường xuyên quan sát, giám sát các vị trí kiểm soát, kịp thời phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn nhằm giảm thiểu sai sót có thể xảy ra; KSVKL hiệp đồng phối hợp, hỗ trợ cho KSVKL điều hành trong công tác điều hành bay, kịp thời phát hiện các sai sót.

Hàng loạt giải pháp ngăn rủi ro đường cất hạ cánh sau vụ tai nạn máy bay ở Nhật- Ảnh 2.

Mô tả toàn bộ quá trình dẫn đến vụ va chạm giữa tàu bay A350 của hàng hàng không Japan Airlines (JAL516/A350) và tàu bay DHC-8 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản

Trước đó, ngày 2/1/2024, tại sân bay Quốc tế Haneda (Nhật Bản) xảy ra vụ tai nạn giữa tàu bay A350 của hàng hàng không Japan Airlines (JAL516/A350) và tàu bay DHC-8 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Cụ thể, chuyến bay JAL516 thực hiện tiếp cận, hạ cánh đường CHC 34R và cùng thời điểm này, chuyến bay DHC-8 đã lăn vào đường CHC 34R từ đường lăn C5 kết nối với đường cất hạ cánh (CHC) 34R.

Hậu quả 2 tàu bay va chạm trên đường CHC 34R gây cháy nổ và hư hại hoàn toàn hai tàu bay. Có 5/6 người trên tàu bay DHC-8 thiệt mạng.

Ngày 3/1, phần ghi âm tiếp tục làm sáng tỏ vụ va chạm giữa chiếc máy bay chở 379 người của Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và máy bay tuần duyên.

Hãng tin Reuters dẫn nội dung trao đổi của trạm kiểm soát không lưu cho thấy chiếc Bombardier DHC8-300 của lực Lượng tuần duyên Nhật Bản đã được yêu cầu chờ tại một điểm gần đường băng trong lúc chiếc Airbus 350 của JAL hạ cánh.

Một quan chức của Cơ quan hàng không dân dụng Nhật Bản nói với các phóng viên rằng không có thông tin nào trong nội dung trao đổi đó cho thấy máy bay của lực lượng tuần duyên được phép cất cánh.

Trước đó, cơ trưởng chiếc máy bay của lực lượng tuần duyên nói rằng anh ta đã đi vào đường băng sau khi được phép. Tuy nhiên, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản thừa nhận không có thông tin nào như vậy trong nội dung trao đổi với trạm kiểm soát.

Phi công JAL nói không nhìn thấy máy bay tuần duyên

Hãng JAL cho biết các phi công trên chiếc máy bay chở khách trong vụ va chạm đã báo cáo với công ty rằng họ không nhìn thấy chiếc máy bay nhỏ trên đường băng. Theo đó, không ai trong số 3 phi công trên máy bay nhìn thấy máy bay nhỏ nên họ vẫn quyết định hạ cánh.

Tuy nhiên, JAL không nói rõ lý do tại sao các phi công không nhìn thấy máy bay tuần duyên. Các phi công của JAL dự kiến sẽ được các nhà điều tra Nhật Bản thẩm vấn về vụ va chạm.


Ý kiến của bạn

Bình luận