Hệ thống trả khay tự động Ilane |
Việt Nam mà cũng đủ đẳng cấp để “chơi” hệ thống này sao?
Ông Ngô Quang Hải - quản lý thiết kế cơ điện Ban Điều hành thi công đường băng sân đỗ sân bay Vân Đồn kể cho tôi nghe câu chuyện về hệ thống trả khay tự động Ilane. Đây là hệ thống ưu việt hàng đầu thế giới do hãng Smith (Đức) sản xuất, tích hợp với máy soi đa chiều đáp ứng tiêu chuẩn dò chất nổ lỏng Euro Standand 3 tiên tiến nhất châu Á, lần đầu tiên được trang bị tại Việt Nam.
Băng chuyền sẽ đưa hành lý, kiểm tra tự động, soi tra lại khi hành lý có nghi vấn. Với hệ thống soi chiếu thông thường, khách hàng sẽ mang khay đồ từ chỗ này sang chỗ kia và nhân viên phải mang khay về vị trí ban đầu sau khi khách sử dụng, cần nhiều nhân sự chia ca để có thể đảm nhiệm việc này. Còn với hệ thống trả khay tự động thì chỉ cần một người cho suốt quá trình hoạt động.
Hiện đại, tiết kiệm thời gian chờ đợi, hệ thống Ilane thậm chí cho phép soi chiếu cùng lúc 3 khách thay vì mỗi lần chỉ 01 khách như các sân bay khác.
Độ “chịu chơi” khi chọn hệ thống Ilane của một sân bay Việt Nam thậm chí khiến nhà cung cấp hoài nghi. Ông Hải kể: “Khi chúng tôi tiếp cận nhà cung cấp đặt vấn đề, họ “giật mình” nói tại sao Việt Nam lại có đủ đẳng cấp để “chơi” hệ thống này? Họ nghi ngờ mình đi khảo giá thị trường thôi chứ chắc gì làm. Sự quyết liệt của chúng tôi vẫn chưa đủ khiến họ tin tưởng. Họ đưa ra hai phương án: Một là hệ thống trả khay tự động hiện đã được lắp đặt tại dự án như hiện nay, hai là bán tự động, tức là trả khay theo kiểu hệ thống khay để nghiêng và khi cho hành lý vào nó sẽ di chuyển xuống. Chúng tôi vẫn kiên quyết chọn loại trả khay tự động”.
Bà Romy Berntsen - quản lý dự án Công ty Tư vấn thiết kế & Quy hoạch Cảng Hàng không Hà Lan (NACO), đơn vị thiết kế Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết: “Chi phí đầu tư cho hệ thống trả khay tự động cao hơn 30% so với hệ thống trả khay đang áp dụng tại các sân bay Việt Nam”. Nhưng để tiết kiệm thời gian cho hành khách, Sun Group “chấp nhận cuộc chơi”.
“Đẹp ngang sân bay Changi”!
Anh Trương Quốc Huy - Trưởng phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin của sân bay Vân Đồn so sánh: “Sân bay Vân Đồn đẹp ngang sân bay Changi ở Singapore với hệ thống hiện đại, đầu tư đồng bộ. Tôi rất ấn tượng khi trời mưa, cây cối xanh mướt, cả vùng trời, biển xanh rất đẹp. Thiết kế sân bay hài hòa đồng bộ với môi trường xung quanh. Trong khi đa số sân bay khác thường tận dụng không gian để kinh doanh thì ở đây khu vực kinh doanh không nhiều, tất cả để tạo sự tiện lợi, thoải mái nhất cho khách”. Có thể vì anh Huy tự hào về nơi mình làm việc mà nói thế nhưng ít nhất, xét trên góc độ xanh, cảnh quan thì sân bay Vân Đồn khó mà chê được.
Khuôn viên dẫn vào nhà ga như một công viên nhỏ với đồi cây xanh rì, các tiểu cảnh trang trí tinh tế, có đường dạo bộ để hành khách thư giãn, cây xanh trồng khắp nơi, tại các bãi dừng, đỗ xe… để lọc khí thải, đảm bảo tính thẩm mỹ lại thân thiện với môi trường.Các không gian vườn sinh thái giống như những khoảng “resort” nào đó, được bứng về đặt vào khuôn viên nhà ga, khiến du khách đi sân bay mà cứ như được đi nghỉ dưỡng. Ở đây có hẳn một hồ cá Koi bao quanh bởi cây xanh, hoa kiểng, cả thế giới mới chỉ Vân Đồn đưa hồ cá vào sân bay. Cái này “ăn đứt” Changi rồi!
Vân Đồn còn có riêng một khu vực hút thuốc bố trí ngoài trời, với cơ man là cây xanh. Nói một cách công bằng, đây là cách đối xử hết sức nhân văn so với việc nhồi tất cả những người nghiện thuốc lá vào một căn phòng, bắt họ hít thở trong cái không gian đặc quánh màu khói, khét lẹt không lối thoát. Trên thế giới hiện tại, mới chỉ có sân bay Changi sở hữu khu vực hút thuốc ngoài trời.
Những thiết bị nội ngoại thất, nói theo cách của dân sành điệu là “sang, xịn, mịn”. Nhưng sang mấy thì sang, theo tiêu chuẩn quốc tế thì vẫn cứ phải đặt “xanh, thân thiện với môi trường lên hàng đầu”. Sàn khu vực check-in lát bằng ván composite vân gỗ tự nhiên, giá thành đắt gấp chục lần gỗ tự nhiên nhưng lại chịu lực cao, không bị cong vênh, mài mòn theo thời gian. Hệ thống mái vòm lam gỗ lấy sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng điện và còn giảm bức xạ nhiệt mà vẫn đem lại nét đẹp cho không gian kiến trúc nội thất. Liệt kê vài ví dụ vậy thôi chứ còn nhiều thứ “xanh” hơn ấy.
“Đặt trải nghiệm và dịch vụ hành khách lên hàng đầu”
Không gian, kiến trúc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn |
Đi khắp sân bay Vân Đồn, nói không ngoa thì giống như được “vi vu” trên vịnh Hạ Long. Những bức bình phong vẽ du thuyền trên vịnh được đặt khắp nơi, khiến hành khách khi đặt chân tới đây là đã thấy Hạ Long rất gần.
Bà Jeannie Chew - quản lý dự án, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế nhà ga và tháp không lưu đến từ Singapore cho biết: “Di chuyển liên tục trong nhà ga rộng lớn ít nhiều sẽ gây cảm giác mệt mỏi, căng thẳng cho các hành khách đang vội vã lên chuyến bay hoặc những du khách còn bỡ ngỡ, xa lạ khi lần đầu tiên đến Vân Đồn. Nắm được tâm lý đó, chúng tôi chủ động tạo nên một không gian thân thiện với du khách bằng việc tái hiện những cảnh quan đẹp nhất của vịnh Hạ Long, của Quảng Ninh trong công trình”.
Coi trọng trải nghiệm của hành khách, những người tạo nên sân bay Vân Đồn chú trọng đến cả cái… toilet trong công trình. Toilet sang trọng với những thiết bị vệ sinh nhập ngoại hiện đại, hành khách không phải lo tìm nút nhấn xả bởi đã có hệ thống xả tự động. Có riêng nhà vệ sinh cho trẻ em, có khu vực để bà mẹ có thể thay bỉm cho bé, cho bé bú và nghỉ ngơi chút ít trong hành trình chờ chuyến bay…, tất cả đều được thiết kế hiện đại, sạch sẽ, lịch sự.
Chị Phạm Thị Quỳnh Trang - Trưởng phòng Dịch vụ nhà ga tỏ rõ sự thán phục khi giới thiệu thêm với tôi: “Phòng chờ thương gia rất đẳng cấp, có khu vực bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh rất hiện đại. Cũng chưa nơi nào có hệ thống nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật đẹp như thế. So với các sân bay khác, không có sự kì thị giữa người bình thường và người khuyết tật. Điều đó cho thấy sự hướng tới người sử dụng và đẳng cấp khác biệt hẳn. Có những điều còn hơn sân bay nước ngoài ví dụ như hệ thống đèn tim đường là hiện đại hơn hoặc hệ thống máy soi hành khách thì hiện nay tôi đi ở sân bay Bangkok, Changi đều chưa có”. Những so sánh của người có tới 15 năm kinh nghiệm làm việc tại các sân bay như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất rồi Cam Ranh đủ để cho thấy chẳng phải vì chị làm việc ở đây mà “nói quá lên”.
Thậm chí, hệ thống cầu dẫn khách lên xuống máy bay cũng được chọn loại ống lồng có chức năng cản gió, tránh cho hành khách khỏi những tác động từ thời tiết khắc nghiệt như mưa dông, gió lớn khi lên xuống.
Ở đây, từ cái lớn nhất đến cái nhỏ nhất đều được tính toán kỹ lưỡng, chọn lọc cẩn thận để hành khách được thoải mái nhất, an toàn nhất, thư giãn nhất. Nói như bà Romy Berntsen thì: “Sun Group biết cách để đặt trải nghiệm và dịch vụ dành cho hành khách lên ưu tiên hàng đầu. Đó cũng là những gì họ đang cố gắng thực hiện tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn”
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.