Ảnh minh họa |
Trong chuyến công du tới Bình Nhưỡng, ông Pompeo nhắc nhở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phải từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, thay vì sự niềm nở như trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên một tháng trước tại Singapore, Bình Nhưỡng đưa ra những lời nhắc nhở gay gắt với phía Mỹ. Triều Tiên cũng thẳng thừng nhấn mạnh, họ cần nhận lại gì đó cho việc từ bỏ chương trình hạt nhân và nó sẽ không rẻ.
Trong khi Tổng thống Donald Trump gọi chuyền công du kéo dài 27 giờ của ông Pompeo là hiệu quả, Triều Tiên lại gọi đó là sự "tiếc nuối". Ngay sau khi ông Pompeo rời đi, truyền thông Triều Tiên phát đi thông báo cho rằng yêu cầu của Mỹ với việc buộc Triều Tiên phải giải giáp vũ khí hạt nhân là "đơn phương và theo kiểu xã hội đen", có nguy cơ đe dọa mối quan hệ đang lên giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tuyên bố 1.200 từ của Triều Tiên nhấn mạnh: "Phía Mỹ không bao giờ đề cập tới việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, điều cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng và ngăn chặn chiến tranh". Với tuyên bố này, Triều Tiên cũng cho thấy họ sẵn sàng thử thách sự nhẫn lại của ông Trump và không mặc cả về kho vũ khí hạt nhân của mình khi không có sự đảm bảo an ninh một cách đầy đủ.
Theo đó, Triều Tiên cho rằng cần nhiều hơn một cái bắt tay để đảm bảo rằng Mỹ sẽ không tấn công đất nước của họ khi họ không sở hữu vũ khí hạt nhân. Lịch sử 70 năm thù nghịch có thể là lời giải thích hợp lý nhất với sự nghi ngờ của phía Triều Tiên.
Eric Gomez, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Viện Cato ở Washington, nhận định: "Tổng thống và các quan chức cấp cao đã nói về một lộ trình nhanh chóng và nó hoàn toàn tập trung vào vấn đề hạt nhân, không quan tâm nhiều tới những vấn đề khác. Thực tế, cách duy nhất để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân chính là một mối quan hệ tốt hơn với Mỹ".
Đó cũng là lý do vì sao thỏa thuận dài 1 trang rưỡi mà ông Trump và ông Kim đã ký ngày 12/6 kêu gọi thiết lập một mối quan hệ mới và "một chế độ hòa bình bền vững và ổn định" trên bán đảo Triều Tiên.
Thực tế, Triều Tiên có thể muốn Mỹ phải đưa ra lựa chọn, có thể gây nguy hiểm cho Mỹ và các đồng minh Bắc Á của họ. Chẳng hạn Triều Tiên muỗn Mỹ thu lại "chiếc ô hạt nhân" trong khu vực hoặc rút quân khỏi Hàn Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể đồng ý dừng chương trình hạt nhân chứ khó lòng chấp nhận giải giáp hoàn toàn loại vũ khí này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đối mặt nhiều chỉ trích vì quá nhanh chóng đưa ra các phương thức nhượng bộ an ninh cho ông Kim, bao gồm cả việc đình chỉ các cuộc tập trận với Hàn Quốc. Tuy nhiên, với Triều Tiên, họ dường như muốn nhiều hơn thế. Bình Nhưỡng cho rằng những đội thái của Mỹ hoàn toàn "có thể đảo ngược" và quân đội của họ không buông bỏ "ngay cả một khẩu súng trường".
Dẫu vậy, bản tuyên bố của Triều Tiên vẫn nhấn mạnh sự tin tưởng với Tổng thống Trump.
"Tuyên bố của này là phong cách đàm phán điển hình của Triều Tiên. Chính quyền nên nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán và sẵn sàng cho nhiều trở ngại hơn trên con đường phía trước nhưng cũng cần đảm bảo rằng đàm phán hạt nhân sẽ không trở thành con tin cho các cuộc đàm phán hòa bình", ông Duyeon Kim, chuyên gia về đàm phán Triều Tiên của Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, ông Pompeo đang phải chịu nhiều áp lực nhằm thể hiện sự tiến bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, nhất là sau khi có thông tin cho rằng BÌnh Nhưỡng đang mở rộng chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này. Những phát hiện mới như gáo nước lạnh dội lên Tổng thống Trump sau khi ông mô tả Triều Tiên "không còn là mối đe dọa hạt nhân với Mỹ" sau cuộc gặp đình đám ở Singapore.
Phát biểu tại Tokyo hôm Chủ Nhật, ông Pompeo bác bỏ thông tin cho rằng hai bên Mỹ và Triều Tiên đang có khoảng cách xa. Theo ông Pompeo, các quan chức Triều Tiên dễ chấp nhận những yêu cầu của Mỹ hơn phía sau cánh cửa đóng kín.
Tuy nhiên, không khó để nhìn thấy những khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên. Hai nước đã đồng ý vào cuối tuần về việc thành lập nhóm làm việc nhằm giải quyết những bất đồng. Cuộc gặp cuối tuần trước cũng thảo luận về việc quy tập hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại Triều Tiên trong chiến tranh gần ¾ thế kỷ trước.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo cũng cho biết ông muốn duy trì chiến dịch "áp lực tối đa" với phía Triều Tiên. Dẫu vậy, không khó để nhận thấy Mỹ sẽ có một quãng thời gian khó khăn hơn phía trước, nhất là khi Triều Tiên đã sử dụng thỏa thuận với Mỹ để cải thiện quan hệ với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.