Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND TP HCM và các cơ quan có liên quan hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12.
Nghiên cứu của các đơn vị tư vấn cho thấy cầu Cát Lái dự kiến có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km), thiết kế dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe.
Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ - đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.
Đối với cầu thay thế phà Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè), trước đây quy hoạch cũng không có cây cầu này.
Theo quy hoạch, chỉ có cầu Bình Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng. Tuy nhiên cầu Bình Khánh lại không kết nối huyện Nhà Bè với đường Rừng Sác ở Cần Giờ mà chạy thẳng về hướng tỉnh Đồng Nai.
Chính vì vậy, Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ đề xuất với chính quyền TP HCM cho công ty được nghiên cứu xây dựng cầu Cần Giờ bắc qua sông Soài Rạp để kết nối từ huyện Nhà Bè với đường Rừng Sác.
Cầu Cần Giờ dự kiến có chiều dài 3,4 km gồm 4 làn xe với tổng mức đầu tư là 5.303 tỉ đồng, chưa tính kinh phí bồi thường giải tỏa mặt bằng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.