Trình Quốc hội phương án đầu tư thêm đường băng, lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 07/11/2024 16:17

Bên cạnh đề xuất bổ sung đầu tư đường cất hạ cánh số 3 vào giai đoạn 1, Chính phủ cũng đã làm rõ lý do điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Lý do đề xuất điều chỉnh

Tại tờ trình Quốc hội về điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư sân bay Long Thành, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chính 3 nội dung, gồm: Đưa đường cất hạ cánh số 3 từ giai đoạn 3 lên giai đoạn 1 (xây dựng song song 2 đường cất hạ cánh); Điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành đến cuối năm 2026 (thay vì mốc quý III/2026 so với điều chỉnh trước đó), chậm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội; Đề xuất cho phép tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1 của dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Trình Quốc hội phương án đầu tư thêm đường băng, lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, chiều tối 6/11

Lý do đề xuất điều chỉnh, theo Chính phủ, thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành, việc xác định vốn đầu tư giai đoạn 1 còn khó khăn nên Quốc hội quyết định giai đoạn 1 chỉ xây một đường băng ở phía Bắc của sân bay.

Giai đoạn 2 sẽ xây thêm đường băng số 2 ở phía Nam sân bay và giai đoạn 3 sẽ xây thêm hai đường băng ở phía Bắc (đường băng số 3) và ở phía Nam (đường băng số 4).

Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhận thấy việc xây dựng đường băng số 3 cách đường băng số 1 (đang đầu tư) 400m về phía Bắc để khai thác hai đường băng trong giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

Lý do, nếu sân bay Long Thành khai thác hai đường băng thì sân bay Tân Sơn Nhất không phải hỗ trợ sân bay Long Thành khi đường băng sân bay này gặp sự cố.

Ngoài ra, việc thi công đường băng số 3 cùng với đường băng số 1 sẽ không làm gián đoạn khai thác đường băng số 1 khi phải đấu nối hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, nền đường băng số 3 đã san gạt để đảm bảo tĩnh không khai thác đường băng số 1 nên chi phí đầu tư đường băng số 3 chỉ khoảng 3.304 tỉ đồng, không vượt quá tổng mức đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giai đoạn 1 nhưng làm tăng năng lực khai thác của sân bay khi có hai đường băng.

Về lý do sân bay Long Thành giai đoạn 1 không thể hoàn thành trong năm 2025 mà phải kéo dài tới cuối năm 2026, Chính phủ cho biết là do quá trình thực hiện dự án gặp một số khó khăn như: thời gian thi tuyển kiến trúc kéo dài; đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế kỹ thuật, huy động chuyên gia nước ngoài.

Gói thầu xây dựng nhà ga hành khách phải qua hai lần đấu thầu mới chọn được nhà thầu; một số công trình dịch vụ hàng không thuộc dự án thành phần 4 chậm triển khai do lần đầu thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên còn lúng túng, phải sửa đổi quy định pháp luật.

Đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ Dự án

Trình Quốc hội phương án đầu tư thêm đường băng, lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành- Ảnh 2.

Công trình đường băng thứ nhất sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Nguyễn Đức

Trước đó, chiều tối 6/11 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trình tự, thủ tục và hồ sơ Dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tại Điều 20 của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, ngày 6/11/2024, Chính phủ mới có hồ sơ Dự án gửi đến Quốc hội là chưa bảo đảm yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 21 của Luật Đầu tư công (chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội).

Về quy mô đầu tư Giai đoạn 1, Chính phủ kiến nghị "điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ Giai đoạn 3 sang Giai đoạn 1" (thay đổi so với nội dung khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14).

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng ngay "Đường cất hạ cánh số 3" bên cạnh và cách "Đường cất hạ cánh số 1" đang đầu tư 400 m về phía Bắc, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác, đáp ứng nhu cầu khai thác khi 1 đường cất hạ cánh gặp sự cố, bảo đảm sự khai thác liên tục của Cảng hàng không và góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Dự án, do đó nhất trí với đề xuất của Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng, chi phí đầu tư Đường cất hạ cánh số 3 khoảng 3.304 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn tiết kiệm sau đấu thầu và dự phòng, tuy nhiên chi phí dự phòng được sử dụng cho khối lượng, công việc phát sinh và trượt giá của Dự án đang trong quá trình thực hiện, do đó việc sử dụng chi phí này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Dự án, vì vậy đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ.

Về thời gian thực hiện Giai đoạn 1, Chính phủ kiến nghị "điều chỉnh thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án đến hết ngày 31/12/2026" (thay đổi so với nội dung khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13). Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án đã chậm tiến độ so với yêu cầu "chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác" tại Nghị quyết số 94/2015/QH13, ngoài các nguyên nhân khách quan đã nêu tại Tờ trình, đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ Dự án.

Đồng thời, cân nhắc, rà soát điều chỉnh thời gian phù hợp, phấn đấu nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành Dự án đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Có ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân do chậm tiến độ Dự án nên mới đề xuất bổ sung đầu tư đường cất hạ cánh số 3; đề nghị làm rõ trách nhiệm và rút bài học kinh nghiệm để khắc phục trong thời gian tới cũng như trong tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia khác. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ các ý kiến này.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, qua những căn cứ đã nêu cũng như kết quả khảo sát thực tiễn tại Dự án, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Mục tiêu đặt ra là đưa sân bay vào khai thác với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm vào cuối năm 2026.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị cần đảm bảo sự đồng bộ của toàn bộ Dự án, ngay từ giai đoạn 1. Việc xây dựng một sân bay quốc tế phải được thực hiện bài bản, hoàn chỉnh ngay từ đầu, tránh tình trạng xây dựng dang dở, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khi đi vào vận hành.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị nỗ lực để rút ngắn thời gian thi công so với kế hoạch ban đầu. Nhân dân đang rất mong đợi sân bay Long Thành sớm đi vào hoạt động, sau nhiều năm chờ đợi. Các thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án cần được hoàn thiện sớm nhất để trình lên Quốc hội. Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thành hồ sơ đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch và khách quan.

Với nguồn vốn cho Dự án được đảm bảo, nhà thầu có kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng có thể hoàn thành Dự án đúng tiến độ và chất lượng.

Nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần bày tỏ quan tâm đến Dự án sân bay Long Thành, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu để sớm gửi tới các đại biểu Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội tại Kỳ họp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, Tờ trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ Giai đoạn 1 của Dự án. Chính phủ chỉ đạo gắn trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng của Dự án, đảm bảo nguồn vốn thực hiện Dự án.

Đồng thời, cần tiếp tục có giải pháp để ổn định cuộc sống, chỗ ở, sinh kế, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án, tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung khác trong Nghị quyết của Quốc hội về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện hồ sơ Dự án, dự thảo nội dung cần đưa vào Nghị quyết Kỳ họp để điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình Quốc hội phương án đầu tư thêm đường băng, lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành- Ảnh 3.

Hình hài nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Được biết, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng (khoảng 4,665 tỷ USD), được chia thành 4 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 bao gồm các công trình trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước như trụ sở Cảng vụ hàng không, hải quan, Cục quản lý xuất nhập cảnh, trụ sở công an địa phương và trụ sở các cơ quan kiểm dịch động/thực vật.

Trong đó, công trình trụ sở cảng vụ hàng không đang được chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025.

Trụ sở hải quan đang được tổ chức triển khai công tác thiết kế, dự kiến khởi công tháng 12/2024 và hoàn thành quý II/2026.

Đối với trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã khởi công và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024. Trụ sở Công an địa phương dự kiến khởi công tháng 12/2024 và hoàn thành vào quý III/2025.

Riêng công trình trụ sở các cơ quan kiểm dịch động/thực vật đang được triển khai thủ tục chuẩn bị dự án là lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, chưa bố trí vốn thực hiện.

Dự án thành phần 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.435 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính là Đài kiểm soát không lưu và thiết bị chuyên ngành.

Dự án đã được khởi công xây dựng và đang tổ chức xây dựng công trình Đài Kiểm soát không lưu (đạt khoảng 94%), dự kiến hoàn thành vào quý II/2025. Đồng thời, phát hành hồ sơ mời thầu đối với 5 gói thầu thiết bị chuyên ngành quản lý bay từ quý II/ 2024, dự kiến hoàn thành vào quý II/2026.

Dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 bao gồm các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 99.019 tỷ đồng, gồm 7 hạng mục chính là: Rà phá bom mìn, vật nổ; Tường rào ranh giới cảng hàng không; San nền, thoát nước; Hạ tầng cảng hàng không (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ...); Nhà ga hành khách; Giao thông kết nối (Tuyến T1 và T2); Công trình phụ trợ (nhà ga hàng hóa, trạm cung cấp nhiên liệu...).

Dự án được khởi công xây dựng từ quý IV/2021. Đến nay đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn, san nền, thoát nước.

Đối với hạng mục hạ tầng cảng hàng không, công trình đường cất hạ cánh, đường lăn đang triển khai thi công xây dựng (đạt khoảng 40%), dự kiến hoàn thành và khai thác kỹ thuật trong quý II/ 2025. Công trình sân đỗ tàu bay đã khởi công trong tháng 9/2024, dự kiến hoàn thành vào quý III/2026. Hạng mục nhà ga hành khách đến nay đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần khung, đang tiến hành lắp dựng kết cấu mái thép, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào quý IV/2025.

Cùng đó, hoàn thiện, lắp đặt thiết bị và vận hành thử vào quý IV/2026. Hiện nay, các đơn vị đang nỗ lực phấn đấu rút ngắn tiến độ khoảng 3 tháng để hoàn thành trong quý III/2026 cùng với sân đỗ tàu bay. Hạng mục hệ thống giao thông kết nối cũng đang triển khai thi công theo đúng tiến độ (đạt khoảng 50%), dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025.

Dự án thành phần 4 gồm 17 hạng mục công trình chính. Trên cơ sở mục tiêu chuyển phần lớn các chuyến bay quốc tế từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sang Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ GTVT đã triển khai trước 7/17 hạng mục công trình ưu tiên đầu tư là các công trình dịch vụ hàng không gắn trực tiếp với hoạt động của tàu bay.

Đến nay Bộ GTVT đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 10/2024 và dự kiến hoàn thành các công trình vào quý III/2026.

Ý kiến của bạn

Bình luận