Trợ giá cả ngàn tỉ đồng, xe buýt vẫn ế

Doanh nghiệp 29/10/2016 04:47

Mỗi năm, TP HCM chi cả ngàn tỉ đồng để giúp hành khách đi xe buýt giá rẻ nhưng lượng hành khách ngày càng giảm. Cần đánh giá lại hiệu quả, sự cần thiết của việc trợ giá xe buýt

 

Trợ giá cả ngàn tỉ đồng, xe buýt vẫn ê
Tiền trợ giá xe buýt tăng nhưng lượng hành khách đang giảm Ảnh: Tấn Thạnh

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM đã có buổi khảo sát về tình hình trợ giá xe buýt năm 2016 và kế hoạch năm 2017 tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM.

Khách giảm, trợ giá tăng

Theo báo cáo của Sở GTVT TP, hiện TP có 142 tuyến xe buýt, trong đó 107 tuyến có trợ giá. Ngoài ra, còn có 54 tuyến đưa rước học sinh theo hợp đồng có trợ giá và 155 trường học có học sinh sử dụng dịch vụ đưa rước theo hình thức hợp đồng có trợ giá.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (viết tắt là Trung tâm), trong 10 tháng đầu năm 2016, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt phổ thông có trợ giá ước đạt 182,3 triệu lượt, giảm 11,4% so với cùng kỳ và chỉ đạt 61,8% kế hoạch năm 2016 (295 triệu lượt). Cũng trong 10 tháng này, hệ thống xe buýt thực hiện hơn 5 triệu chuyến, trung bình mỗi ngày hơn 16.000 chuyến nhưng số lượng hành khách trên mỗi chuyến tiếp tục giảm, trung bình 36 khách/chuyến. Trong năm 2016, tổng kinh phí trợ giá xe buýt khoảng 995 tỉ đồng, dự kiến năm 2017 sẽ tăng lên 1.226 tỉ đồng.

Ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế- Ngân sách, cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả, sự cần thiết của việc trợ giá xe buýt và có sự so sánh với các tuyến xe buýt hoạt động không trợ giá. Đề án thay mới xe buýt là cần thiết để nâng cao chất lượng và thu hút người dân nhưng vấn đề trợ vốn cần được làm rõ để bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng cần có đánh giá các loại hình vận tải hành khách khác như taxi, uber ảnh hưởng như thế nào đến xe buýt. Theo ông Bình, xe buýt cần có làn đường riêng và đề nghị thí điểm kéo hẹp làn đường xe máy và tăng diện tích đường cho xe buýt. Ngoài ra, thái độ của tài xế, tiếp viên cũng cần được chấn chỉnh để phục vụ hành khách chuyên nghiệp, người dân hài lòng.

Tăng gánh nặng cho ngân sách

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng xe buýt ở TP cần có một bài toán tổng thể cùng một chiến lược lâu dài và đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách đi thực tế cùng với sở để tìm hiểu thêm. Theo ông Minh, dư luận cho rằng trợ giá xe buýt không hiệu quả, không đúng đối tượng là không chính xác, phải tách 2 chuyện rõ ràng: Thứ nhất, trợ giá có cần thiết hay không? Thứ hai, Sở GTVT, Trung tâm, DN sử dụng không hiệu quả tiền trợ giá thì xử lý nghiêm.

“Hiện người dân đi xe buýt với giá 5.000- 6.000 đồng, học sinh - sinh viên 2.000 đồng, người già và người tàn tật được miễn phí, đó là chính sách trợ giá của TP. So sánh với tuyến không trợ giá như tuyến sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành, DN lấy giá 20.000 đồng, tiền đi xe buýt cao như vậy, liệu có thu hút người dân?” - ông Minh đặt vấn đề, đồng thời dẫn chứng một trường hợp bị mất xe máy, phải đi xe buýt đến cơ quan và sau một tháng, tính toán lại thì chi phí đi xe buýt cao hơn xe máy. Ông Minh cho biết trợ giá hiện nay chiếm 41% chi phí vận chuyển là do tần suất phục vụ liên tục.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, đặt vấn đề có hay không chuyện “ăn chặn” tiền trợ giá xe buýt ở tuyến 102 (Bến Thành - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây) mà Báo Người Lao Động ngày 23-8 đã phản ánh?

Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm, giải thích có sự việc trên là do giá nhiên liệu trong các năm 2014 và 2015 nhiều biến động, có những tháng tăng cao và có tháng thấp hơn đơn đặt hàng đầu năm. Trung tâm đã kiểm tra và mời các thành viên lên làm việc, các thành viên yêu cầu thanh toán đúng và đủ nên Trung tâm yêu cầu DN phải trả cho xong những tháng còn hụt. “Đây chỉ là mâu thuẫn và tranh chấp nội bộ trong DN chứ không phải là ăn chặn” - ông Phúc khẳng định.

Vừa qua, UBND TP đã có kết luận về thanh tra toàn diện các mặt quản lý đối với việc trợ giá cho hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn, trong đó có nêu vấn đề trùng lặp các tuyến xe buýt. Cụ thể, 2 trục đường có nhiều tuyến trùng lặp là tuyến 13, 94, 65, 66, 74 trên trục đường Trường Chinh, Quốc lộ 22 và các tuyến 9, 80, 82, 84 trên trục đường Hồng Bàng, Kinh Dương Vương, Quốc lộ 1.

Theo UBND TP, việc trùng lặp giữa các tuyến nêu trên do những nguyên nhân khách quan, để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên, sự trùng lặp này thể hiện việc sắp xếp luồng tuyến chưa khoa học, chưa hợp lý, làm tăng gánh nặng cho ngân sách khi phải trợ giá cho các tuyến trùng lặp.

Ý kiến của bạn

Bình luận