Trưng bày gần 100 linh vật Việt Nam

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 28/10/2015 16:07

Sáng 28/10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam” giới thiệu 27 loại hình tượng qua gần 100 hiện vật tiêu biểu đang được lưu giữ tại bảo tàng.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết “ Cuộc triển lãm linh vật Việt Nam là một cuộc trưng bày chúng tôi ấp ủ rất nhiều năm nay. Chúng tôi sưu tập được rất nhiều nhưng vì diện tích trưng bày có hạn nên chỉ có gần 100 hiện vật được trưng bày. Tuy nhiên đây là những hiện vật rất tiêu biểu, đặc sắc cho các loại hình, giai đoạn…Đây là cuộc trưng bày đầu tiên sưu tập các linh vật Việt Nam được tổ chức tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn qua cuộc trưng bày này mọi người có một cái nhìn tổng quát về các loại hình linh vật Việt Nam, sự sáng tạo của cha ông chúng ta qua các giai đoạn phát triển lịch sử”.

Theo đó, linh vật (những con vật linh thiêng) là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo. Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ. 

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi Linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết tại triển lãm lần này có nhiều đồ vật quý cỡ bảo vật quốc gia như tượng rồng vàng thời Nguyễn thế kỷ 19-20 hay tượng rồng trên ấn vàng Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo. Cả hai đều thuộc bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn. Ngoài ra còn có hiện vật sấu đá, linh vật độc đáo của nghệ thuật Việt Nam, chưa từng thấy xuất hiện trong bất cứ nền nghệ thuật nào trên thế giới.

 Đặc biệt, trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày nhằm giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị và cảm nhận sự phong phú, đa dạng của sưu tập Linh vật Việt Nam hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, GS-TS Đỗ Văn Trụ, Tổng thư kí Hội di sản văn hoá cho biết ". Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chuyên đề linh vật Việt Nam vừa để tuyên truyền, quảng bá kho tàng di sản rất phong phú và còn để lấy ý kiến công chúng để tiến tới lựa chọn các tài liệu hiện vật cho trưng bày của Bảo tàng sau này".

Theo dự kiến, triển lãm sẽ kéo dài từ nay cho đến tháng 2 năm 2016.

DSC_3278Các vị đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm chuyên đề " Linh vật Việt Nam".

DSC_3272Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu khai mạc triển lãm.

DSC_3238Triển lãm giới thiệu 27 loại hình tượng qua gần 100 hiện vật tiêu biểu đang được lưu giữ tại bảo tàng.

DSC_3263Triển lãm thu hút rất nhiều du khách nước ngoài.

DSC_3232Tượng rồng bằng vàng trên ấn " Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo" thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu Trị 7 (1847). 

DSC_3234Tượng sư tử/ lân bằng vàng trên ấn " Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo" thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709).

DSC_3230Đĩa gốm nhiều màu được trang trí hình Kỳ Lân thời Lê Sơ, thế kỷ 15.

DSC_3247Hình Giao Long trang trí trên giáo đồng, văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay 2.500-2000 năm.

DSC_3250Hiện vật Nghê chầu, được làm bằng gỗ sơn thếp thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 -18.

DSC_3249Hiện vật đầu sư tử làm từ đất nung thời Lý, thế kỷ 13-14.

DSC_3253Tượng Nghê bằng đất nung được phát hiện tại An Lạc, Khoái Châu, Hưng Yên.

DSC_3255Hiện vật bình rót có quai hình Nghê thời Mạc, thế kỷ 16.

DSC_3241Máy trình chiếu 3D linh vật Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận