Trung Quốc bi quan về vấn đề Triều Tiên?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 11/12/2017 10:10

Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định rằng triển vọng giải quyết được những vướng mắc hiện nay tại Triều Tiên không mấy lạc quan.

 

trieutienbloomberg_hxlp

Ảnh: Bloomberg

Phía Trung Quốc thể hiện tâm lý bi quan về khả năng giải quyết tình thế bế tắc hiện nay tại Triều Tiên ngay cả khi mà phía Triều Tiên đã kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ dàn xếp các cuộc đối thoại, Bloomberg đưa tin.

Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị, trong ngày thứ Bảy khẳng định rằng triển vọng giải quyết được những vướng mắc hiện nay tại Triều Tiên không mấy lạc quan, ông hối thúc các bên cố gắng hết sức để tránh tình thế đối đầu luẩn quẩn. Những tuyên bố của ông Vương được đưa ra vài giờ sau khi phía Triều Tiên công bố một phái đoàn của Liên hợp quốc đã đồng ý đối thoại làm giảm căng thẳng.

Ông Vương Nghị tin vẫn còn hy vọng có thể sử dụng giải pháp ngoại giao để kiềm chế bớt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Ông xác nhận quan điểm của Trung Quốc rằng Triều Tiên cần dừng những vụ thử hạt nhân còn phía Mỹ cũng cần dừng lại các hoạt động tập trận trên biển. Ông Vương Nghị khẳng định: “Đầu tiên cần phải làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau đó các vòng đối thoại mới có thể bắt đầu.”

Quan chức hàng đầu chuyên phụ trách các vấn đề chính trị tại Liên hợp quốc (UN), ông Jeffrey Feltman, đã rời khỏi Triều Tiên trong ngày thứ Bảy. Chuyến viếng thăm đến Triều Tiên của ông diễn ra trong bối cảnh mới đây Mỹ đã gửi máy bay chiến đấu đến tập trận chung với Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công đến lục địa Mỹ.

Động thái mới nhất của Liên hợp quốc nằm trong nỗ lực của tổ chức này nhằm lôi kéo thêm nhiều nước trên thế giới, từ Canada cho đến Đức cùng tham gia vào các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. 

Dù vậy, đã nhiều năm nay chưa hề có cuộc đối thoại nào liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Chính quyền ông Kim Jong Un buộc tội Mỹ âm mưu tấn công và thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Phía Mỹ trong khi đó không ngừng kêu gọi Triều Tiên phải ngừng các chương trình hạt nhân trước rồi mới đối thoại. 

Phía Hàn Quốc và Trung Quốc không ngừng kêu gọi tiến hành đối thoại nhưng không mang lại kết quả. Cùng lúc đó, Triều Tiên tiếp tục đẩy mạnh các chương trình thử vũ khí hạt nhân.

Trong ngày thứ Bảy, Cơ quan thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) đưa tin chuyến thăm của đại diện UN mới đây đã giúp cho hai bên hiểu nhau hơn, đồng thời hai bên đã thống nhất về các cuộc đối thoại. 

Giáo sư tại Viện ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, ông Shin Beomchul, nhận xét: “Tôi không tin những diễn biến mới nhất sẽ mang lại kết quả gì”. Ông chỉ ra Triều Tiên muốn dùng UN để gây sức ép buộc Mỹ thừa nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.

Tất nhiên, phía Mỹ không chấp nhận điều này còn ông Kim Jong Un cùng lúc đó vẫn tiếp tục tiến hành thử bom hạt nhân và tên lửa trên biển Nhật bản. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg trong ngày thứ Tư, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Terry Branstad, cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ sẵn sàng đối thoại nếu Triều Tiên công bố ngừng các vụ thử vũ khí hạt nhân tiếp theo.

Bất kỳ giải pháp nào từ phía UN cũng sẽ cần đến sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nơi Mỹ nắm quyền phủ quyết. Hội đồng Bảo an cho đến nay đã không ngừng kêu gọi khôi phục vòng đàm phán sáu bên về vấn đề Triều Tiên trong đó có sự tham gia của cả Trung Quốc, Nhật, Nga, Hàn Quốc. Vòng đàm phán này từng đổ vỡ vào năm 2009.

Các vụ thử vũ khí của Triều Tiên đã khiến Hội đồng Bảo an phải thông qua các biện pháp trừng phạt ngăn chặn khoảng 90% hàng xuất khẩu của nước này trong đó có cả than đá và hải sản, đồng thời ngăn chặn Triều Tiên nhập khẩu một số sản phẩm dầu. KCNA đưa tin Feltman đã chứng kiến tác động của những lệnh trừng phạt này lên Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã cố gắng gây áp lực lên Trung Quốc để nước này phải kiềm chế Triều Tiên trước khi năng lực hạt nhân của Triều Tiên đủ mạnh để có thể tấn công vào Mỹ.

Ý kiến của bạn

Bình luận