Trung Quốc cấm nhập khẩu rác và cơn đau đầu với ngành tái chế

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 27/08/2017 09:18

Năm 2016, nước này nhập khẩu 45 triệu tấn rác thải kim loại, giấy, nhựa và những nguyên liệu rác khác với tổng trị giá 18 tỷ USD.

 

photo-0-1503631509493-20-0-320-479-crop-1503712847

Nói về thị trường nguyên vật liệu, không quốc gia nào trên thế giới có thể tiêu thụ nhiều bằng Trung Quốc. Hàng năm, thị trường này thu mua hàng tỷ tấn dầu thô, than đá và quặng sắt nhằm phục vụ cho ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, có một thị trường đang nhanh chóng lớn mạnh và trở thành ngành nghệ chủ chốt tại Trung Quốc, đó là rác thải. Vào tháng 7 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố trong hội nghị Tổ chức thương mại thế giới (WTO) rằng họ sẽ không nhập khẩu 24 loại rác thải rắn từ cuối năm nay nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Dẫu vậy, động thái này sẽ khiến hàng tỷ USD thương mại với những quốc gia khác bị ảnh hưởng cũng như đẩy nhiều công ty trong ngành vào thế khó. Vậy tại sao Trung Quốc lại vội vã cấm vận ngành nghề này đến như vậy?

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã là trung tâm tái chế rác thải của thế giới. Năm 2016, nước này nhập khẩu 45 triệu tấn rác thải kim loại, giấy, nhựa và những nguyên liệu rác khác với tổng trị giá 18 tỷ USD. Đặc biệt, nước này nhập khẩu tới 7,3 triệu tấn rác thải nhựa với tổng trị giá 3,7 tỷ USD, chiếm 56% tổng số nhập khẩu trên toàn thế giới. Việc trả tiền để nhập khẩu rác nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế đây lại là hoạt động kinh doanh vô cùng lợi nhuận.

Những nhà xuất khẩu rác được hưởng lợi khi bán những thứ thải loại thay vì đem chôn chúng trong các bãi rác. Các công ty nhập khẩu Trung Quốc thì có thể bán những rác thải này cho các công ty tái chế. Trong mảng sản xuất, việc tái chế sản phẩm thường rẻ và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với việc làm mới. Ví dụ thép tái chế chỉ cần 40% nhiên liệu và năng lượng so với hoạt động sản xuất thép mới.

Ngay từ thập niên 1980, việc nhập khẩu rác bằng giấy và nhựa để tái chế đã là một lựa chọn không tồi cho các nhà sản xuất Trung Quốc khi chúng rẻ hơn việc chặt cây để làm giấy mới hay khai thác dầu mỏ để làm nilong.

Nhiều báo cáo cho thấy việc tái chế 1 tấn rác giấy có thể tiết kiệm năng lượng đủ để cung cấp điện năng cho các hộ gia đình tại Mỹ sử dụng trong vòng 6 tháng trong khi việc tái chế nhựa có thể tiết kiệm được tới 87% điện năng.

Đây là lý do có đến 180 triệu tấn rác thải với tổng trị giá 87 tỷ USD được giao dịch trên toàn thế giới năm 2015.

Với tiềm năng như vậy, không có gì lạ khi ngành tái chế rác thải bùng nổ ở Trung Quốc song song với thời kỳ tăng trưởng nóng của ngành sản xuất. Tính đến giữa thập niên 2000, Trung Quốc đã trở thành thị trường hàng đầu về rác thải giấy của Mỹ tính về số lượng.

Hầu hết những rác thải giấy này được “chu du” một vòng quanh Thái Bình Dương, nghĩa là xuất khẩu từ Trung Quốc dưới dạng sản phẩm mới đến Mỹ, được sử dụng và thải loại rồi xuất khẩu trở về Trung Quốc dưới dạng rác tái chế.

Báo cáo của Fisher International ước tính tỷ lệ tái chế giấy của Trung Quốc có thể cao tới 70% nếu tất cả rác thải giấy được sử dụng để tái chế.

Tại Mỹ, chỉ khoảng 1/3 số rác thải được dùng để tái chế do có quá nhiều rác và phần lớn chúng được chôn cất hoặc đốt trong các lò đốt rác. Tuy nhiên từ khi thị trường tái chế Trung Quốc mở cửa, hàng trăm tấn rác thải bắt đầu đổ về đây, tạo ra hơn 40.000 công ăn việc làm cho người Mỹ từ đầu năm đến nay.

Số liệu của USITC cho thấy tốc độ tăng trưởng nhập khẩu rác của Trung Quốc từ Mỹ đã đạt 916% trong khoảng 2000-2008. Hàng năm, ngành tái chế này cũng đem lại 28 tỷ USD cho Mỹ cũng như ảnh hưởng đến 534.000 công việc liên quan từ các ngành khác.

Về phía Trung Quốc, con số lao động tham gia ngành tái chế còn lớn hơn rất nhiều nhưng không thể thống kê chính xác do các hoạt động kinh doanh quá manh mún cũng như không được kiểm soát chặt chẽ.

Chính phủ hành động

Mặc dù thị trường này đem lại nhiều lợi nhuận nhưng chúng cũng khiến Trung Quốc chịu cảnh ô nhiễm nặng, đất đai bị thoái hóa và nguồn nước bị nhiễm bẩn, không khí thì chứa đầy chất khói độc.

Kể cả khi những rác thải này được Trung Quốc nhập khẩu cẩn thận thì chúng cũng chưa chắc đã được sử dụng toàn bộ. Năm 2002, nhà chức trách Quảng Đông đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sau khi có những tài liệu cho thấy các công nhân ngành tái chế tại đây đã tháo dỡ các thiết bị điện tử hỏng và vứt những bộ phận độc hại không thể tái chế xuống sông.

Trong khi đó, bộ phim tài liệu “Plastic China”, hiện trạng ngành công nghiệp tái chế nilong của Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường được phản ánh rõ nét. Tất nhiên, chính phủ Trung Quốc chẳng thể làm gì nhiều khi phần lớn những doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này là các hộ gia đình nhỏ, làm ăn manh mún khó kiểm soát.

Trước tình hình này, chính quyền Bắc Kinh đã phải có những biện pháp đối phó. Năm 2011, Bộ tài nguyên môi trường Trung Quốc ban hành hướng dẫn chi tiết về nhập khẩu các rác thải rắn và yêu cầu chính quyền địa phương giám sát. Tuy nhiên việc lơ là, tham nhũng ở các cấp địa phương đã buộc Bộ phải nhắc nhở lần nữa vào năm 2014.

Đến năm 2017, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký các quy định về nhập khẩu rác thải rắn và tuyên bố ngừng nhập 24 loại rác thải rắn mới đây cho thấy Trung Quốc đang quyết liệt với nguyên nhân gây ô nhiệm nặng cho môi trường tại đây bất chấp điều đó có ảnh hưởng đến lao động và nền kinh tế ra sao.

Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc cũng làm nổi bật một thực tại hiện nay ở nước này, đó là quá nhiều rác để xử lý. Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy hàng ngày Trung Quốc thải ra 520.000 tấn rác và phần lớn trong số đó được đem đi thiêu đốt. Tính đến năm 2015, bình quân mỗi người Trung Quốc thải 1,12 kg rác mỗi ngày

Năng lượng để đốt những phế liệu này đủ sức cung cấp cho hơn 140.000 hộ dân tại đây. Dẫu vậy chính quyền Bắc Kinh vẫn tích cực thúc đẩy việc đốt rác do chúng không để lại quá nhiều hậu quả cho môi trường đất và nước thay vì đem đi tái chế.

Trớ trêu thay, Trung tâm hợp tác năng lượng tái chế Sino-Ferman nhận định Trung Quốc chỉ có thể đốt khoảng 40% rác thải từ nay đến năm 2020 do lợi nhuận không cao. Bởi phần lớn các hoạt động đốt rác này được đấu thầu bởi chính phủ vá các công ty nên những dự án này bị hạ giá thấp tới dưới 4 USD/tấn. Với mức giá đó, chắc chắn các công ty sẽ không thiêu hủy rác một cách tử tế mà tuồn bớt một số cho các hộ kinh doanh tái chế.

Mức ngân sách cho đốt rác của Trung Quốc vào khoảng 10 USD/tấn nhưng nhiều doanh nghiệp chấp nhận đấu thầu với mức giá thấp hớn rất nhiều. Báo cáo của Caixin cho thấy một doanh nghiệp tại Shaoxing năm 2016 đã thắng thầu với mức giá 3 USD/tấn.

Ý kiến của bạn

Bình luận