Đây là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. Người ta mất 9 năm để xây dựng nó trước khi có thể đưa vào hoạt động. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ khánh thành tại Châu Hải vào ngày 23/10. Sự kiện cũng có sự tham dự của các quan chức hàng đầu của hai đặc khu Hồng Kông và Ma Cao. Cây cầu sẽ chính thức phục vụ công chúng trong ngày 24/10.
Với chiều dài 55 km, cây cầu được lên kế hoạch đi vào hoạt động năm 2016 nhưng bị trì hoãn cho tới tận cuối năm 2018. Nó xuyên qua vùng biển có tên gọi là Greater Bay Area, miền nam Trung Quốc. Khu vực này có 11 thành phố với 68 triệu người.
Sự ra đời của cây cầu sẽ cắt ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa Trung Quốc Đại lục với Hồng Kông và Ma Cao. Hành trình kéo dài 3 giờ sẽ chỉ còn 30 phút, cây cầu được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể giao thương, kinh tế và du lịch giữa khu vực.
Với cây cầu, thời gian đi giữa Hồng Kông với Khu vực phía Tây đồng bằng châu thổ sông Châu Giang cũng sẽ ngắn hơn rất nhiều. Cụ thể, thời gian đi lại sẽ được rút ngắn xuống 3 giờ lái xe. Tuy nhiên, những người sở hữu phương tiện cá nhân ở Hồng Kông sẽ không được phép đi trên cây cầu mà không có loại giấy phép đặc biệt. Họ phải đỗ tại cảng và được chuyên chở bằng xe buýt hoặc các loại xe chuyên dụng. Giá vé vào khoảng 8 – 10 USD tùy thuộc thời điểm hoạt động.
Tuy được phần lớn Trung Quốc mong chờ nhưng cây cầu lại khiến nhiều người sống tại Hồng Kông cảm thấy lo ngại. Những người chỉ trích cho biết họ chẳng có mấy nhu cầu kết nối tới Ma Cao hay Chu Hải nhưng việc xây dựng cây cầu có thể khiến du khách Trung Quốc ồ ạt tới đặc khu hành chính này, khiến cuộc sống vốn rất chật chội ở đây trở nên ngột ngạt. Những lo ngại này không hoàn toàn vô căn cứ. Năm 2016, Hồng Kông đón 56,7 triệu du khách, lớn hơn nhiều so với 37,6 triệu người đến thăm Vương quốc Anh dù diện tích bé hơn rất nhiều.
Là cây cầu vượt biển dài nhất thế thới, công trình 20 tỷ USD được thiết kế để chịu được động đất 8 độ, cũng như những siêu bão cực lớn. Thậm chí, nó có thể đứng vững dù bị một tàu hàng siêu lớn tông trực diện. Cây cầu là sự kết hợp của 400.000 tấn thép, gấp 4,5 lần số thép được dùng để tạo nên cầu Cổng vàng ở San Francisco, Mỹ.
Khi đi qua tuyến hàng hải tấp nập, cây cầu được làm ngầm dưới đáy biển. Đoạn đường hầm này dài 6,7 km, với hai điểm là hai hòn đảo nhân tạo với diện tích 100.000 mét vuông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.