Ảnh minh họa |
Báo cáo cho thấy những sản phẩm công nghệ được sản xuất bởi các công ty của Trung Quốc hoặc chịu ảnh hưởng từ nước này được chế tạo trong môi trường kém và có tác động từ chính quyền Bắc Kinh. Nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn trong số 90 tỷ USD ngân sách được chính phủ Mỹ dùng cho công nghệ được trả cho những sản phẩm có ít nhiều liên quan đến Trung Quốc, qua đó tạo nên những lỗ hổng an ninh mạng cho các cuộc tấn công tin tặc.
Không chơi theo luật
Cuộc chiến công nghệ hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà phân tích bởi cả Mỹ và Trung Quốc hiện đang có quan hệ không mấy tốt đẹp sau những phát biểu chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thâm hụt thương mại giữa 2 nền kinh tế.
Trung Quốc hiện có cả một chương trình "Made in China 2025", qua đó đầu tư tới 300 tỷ USD cho các mảng trí tuệ nhân tạo, thiết bị bán dẫn hay tự động hóa. Mục đích chính của chương trình này là đưa Trung Quốc thoát khỏi vị thế chuyên sản xuất các mặt hàng kỹ thuật thấp như đồ chơi hay quần áo và chuyển sang những sản phẩm công nghệ cao cho thương mại cũng như quân sự.
Vào tháng 3 vừa qua, Đại diện thương mại Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ giao những kỹ thuật công nghệ hay bí mật thương mại cho nước này để được phép tiếp cận thị trường nước này. Hơn nữa, phía Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang gia tăng các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp các thông tin kỹ thuật công nghệ.
Báo cáo cho biết việc các công ty Mỹ bị ép buộc chia sẻ mã nguồn phần mềm và những thông tin kỹ thuật khác cho các đối tác cung cấp Trung Quốc sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh khai thác được các lỗ hổng trong sản phẩm.
Theo Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ (NEC), Trung Quốc là một nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng lại hành xử như một quốc gia nghèo khi không tuân theo các luật chơi quốc tế, nhất là về công nghệ.
Tỷ lệ cung ứng của Trung Quốc đối với 7 hãng công nghệ hàng đầu Mỹ (2012-2017)
Trong khi đó, Báo cáo của UCESRV cho thấy luật pháp Trung Quốc còn rất lỏng lẻo khi đề cập đến việc đánh cắp sở hữu trí tuệ với các công nghệ của nước ngoài và điều này đang tạo nên nguy cơ vô cùng lớn.
Hiện hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như HP, IBM, Dell, Intel hay Microsoft đều dựa dẫm khá nhiều vào các đối tác Trung Quốc cũng như đặt hàng phần lớn thiết bị từ đây. Đặc biệt, báo cáo cho thấy 51% thiết bị của các công ty công nghệ lớn Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó Microsoft chiếm tỷ lệ lớn nhất với 73% đầu vào đến từ Trung Quốc.
Rất nhiều công ty cung cấp đầu vào cho các hãng công nghệ của Mỹ có mối liên kết với chính quyền Bắc Kinh. Ví dụ như hãng Dell mua pin từ Lishen Power Battery System, vốn là một nhánh của tập đoàn quốc doanh Tianjin Lishen Battery Joint Stock.
Hàng loạt những công ty quốc doanh Trung Quốc khác cũng đang cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị đầu vào hoặc thậm chí lắp ráp tại chính nước này trước khi xuất sang Mỹ. Các hãng Dell và HP đã mua mà hình LCD cho máy tính và máy tính bảng từ những công ty có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh.
Xu thế khó tránh?
Trong vài năm qua, chính phủ Mỹ đã lưu ý đến sự phát triển của Trung Quốc trong mảng công nghệ. Năm 2017, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) đã cảnh báo sản phẩm camera an ninh sản xuất bởi công ty Hikvision, với 42% sở hữu bởi Trung Quốc, có thể bị điều khiển bởi tin tặc.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc ngăn cản đà tăng trưởng vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ là điều khó khăn bởi chi phí sản xuất thấp tại đây cùng một thị trường rộng lớn khiến hàng loạt các tập đoàn nước ngoài đổ về đây dựng nhà máy sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị từ nước này.
Trong hơn 10 năm qua, lượng sản phẩm công nghệ Mỹ nhập từ Trung Quốc đã tăng gần 100% và thậm chí tăng nhanh gấp đôi so với tổng nhập khẩu từ các nước khác với hàng công nghệ Trung Quốc. Số liệu hải quan cho thấy năm 2017, Mỹ nhập khẩu hơn 155 tỷ USD sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc.
Nghị viện Mỹ đã từng xây dựng một dự thảo luật nhằm hạn chế nhập khẩu thiết bị công nghệ từ Trung Quốc nhưng vấn đề chi phí đã khiến các tập đoàn phản đối, vận động hành lang để bác bỏ chúng.
Cùng với sự phát triển của hệ thống Internet 5G, nguy cơ bị tấn công mạng với các sản phẩm công nghệ tại Mỹ ngày càng cao bởi các hãng Trung Quốc đang tìm kiếm vai trò ngày một lớn hơn cho các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế về công nghệ.
"Vấn đề đang ngày càng nghiêm trọng. Chúng ta không có kế hoạch đối phó với sự bành trướng vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu và họ đang dần thống trị mảng công nghệ thông tin", chuyên gia Michael Wessel của UCESRV nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.