Trung Quốc lập loạt kỷ lục mới trong tiêu thụ hàng hóa

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 16/01/2018 07:16

Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu lượng lớn các mặt hàng của thế giới, lập kỷ lục mới về tiêu thụ tất cả mọi thứ từ dầu thô đến đậu nành.

tq-lap_cpdz_nulg

Các container tại Cảng nước sâu Yangshan, một phần của Khu Thương mại Tự do Thượng Hải

 Kinh tế thế giới đã trải qua năm 2017 đầy biến chuyển khi năng lực công nghiệp bị cắt giảm, không ít mặt hàng bị hạn chế tiêu thụ do các vấn đề liên quan đến môi trường, nhưng nhu cầu về nguyên liệu thô của thị trường đông dân nhất thế giới vẫn không có dấu hiệu suy giảm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hằng năm của hàng hóa toàn cầu.

“Việc mở rộng kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua kỳ vọng tăng trưởng từ nửa cuối năm ngoái. Chúng tôi hy vọng kinh tế đất nước sẽ tiếp tục đà tăng mạnh mẽ trong năm 2018, và điều này cũng sẽ làm tăng lượng hàng nhập khẩu được tiêu thụ trong nước”, Guo Chaohui, nhà phân tích của China International Capital Corp (CICC), ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Bloomberg.

Dầu

Danh hiệu nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới giờ đây đã thuộc về Trung Quốc sau khi các lô hàng dầu nhập khẩu hằng năm của nước này đã vượt qua Mỹ lần đầu tiên trong năm qua. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là một trong những nước mua dầu thô của Mỹ nhiều nhất.

Bloomberg trích dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 12/1 cho thấy, các lô hàng dầu được Đại lục nhập về từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Nga, Ả Rập Xê Út và Venezuela, đã tăng khoảng 10% lên 8,43 triệu thùng/ngày vào năm 2017. Sức mua khổng lồ này dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong năm nay, nếu chính phủ Trung Quốc mở rộng hạn ngạch nhập khẩu dầu cho các nhà máy tinh chế độc lập trong nước.

Quặng sắt

Trung Quốc dường như đã nhận ra rằng chìa khóa để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường nằm ở nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Số lượng các loại quặng sắt ít gây ô nhiễm, vốn thường không có ở Đại lục, đang được nhập về nước ngày càng nhiều để “nuôi” ngành công nghiệp thép khổng lồ của nước này, với lượng hàng nhập khẩu tăng 5% lên 1,07 tỷ tấn trong năm 2017.

Khí đốt tự nhiên

Việc mua quặng sắt ít gây ô nhiễm chỉ là một trong rất nhiều bước đi trong nỗ lực làm sạch các thành phố bị ô nhiễm của Trung Quốc. Ngoài ra, còn một số động thái khác như hạn chế sử dụng than và khuyến khích dùng khí tự nhiên sạch hơn để thay thế. Nhập khẩu khí đốt qua đường biển và đường ống của quốc gia tỉ dân đã tăng gần 27% lên 68,57 triệu tấn vào năm ngoái. Song, mặc dù đã hạn chế nhưng số liệu chính thức cho thấy các lô hàng than được vận chuyển từ nước ngoài về Đại lục vào năm qua vẫn tăng 6,1% lên 270,9 triệu tấn.

Cơn khát khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông này, và đây là dấu hiệu cho thấy nước này vẫn còn có thể tiếp tục tăng sức mua trong thời gian tới. CICC và JLC Network Technology dự đoán mức tiêu thụ khí tự nhiên của Trung Quốc có khả năng tăng 10% trong năm nay, trong khi đó hãng quản lý tài sản Sanford C. Bernstein cho rằng nhu cầu có thể tăng lên 15%.

Thức ăn cho trang trại

Và trong khi quốc gia châu Á đang cố gắng làm sạch không khí, họ cũng không quên tìm kiến thức ăn cho gia súc tại các trang trại quy mô lớn đang được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế đất nước bùng nổ trong vài thập niên qua đã khiến đời sống của người dân Trung Quốc trở nên đầy đủ, phong phú hơn, thúc đẩy tiêu thụ thịt.

Hiện Trung Quốc đang rất cần đậu nành để nghiền nát ra làm thức ăn cho lợn tại các trang trại lớn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng hàng nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc dự báo sẽ tăng từ 95,54 triệu tấn ghi nhận trong năm 2017 lên 97 triệu tấn tính đến cuối tháng 9/2018.

Đồng

Khi nền kinh tế phát triển thúc đẩy việc xây dựng các tòa nhà và nhà máy thì cũng là lúc Trung Quốc sẽ cần nhiều đồng hơn cho dây điện và ống dẫn tại các cơ sở hạ tầng. Các mỏ đồng ở trong nước thường nhỏ và không thể theo kịp với tốc độ công suất tinh chế kim loại đang mở rộng, và do đó buộc phải mua tập trung ở nước ngoài.

Năm 2017, quặng đồng và hàng nhập khẩu tập trung của Trung Quốc tăng 2,3% lên mức kỷ lục 17,35 triệu tấn. Theo Jia Zheng, doanh nhân của công ty quản lý đầu tư Shanghai Minghong Investment Management, nhu cầu này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận