Trung Quốc, Nga và EU tìm cách thoát khỏi dollar dầu mỏ

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 14/01/2019 10:29

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương Mỹ dưới thời ông Trump đã tạo nên những mối lo ngại trên thế giới

 

gh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 4, tổ chức tại Vladivostok vào tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc, nước đang vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, đang mở rộng việc mua bán dầu bằng đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, Ngavà Liên minh châu Âu cũng chủ động tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng dollar trong các hóa đơn dầu mỏ.

Vào tháng 3/2018, chính phủ Trung Quốc đã chính thức bắt đầu cho phép mua bán các hợp đồng thanh toán theo kỳ hạn về dầu thô, được niêm yết bằng nhân dân tệ tại sàn Giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải.

Hướng đi mới cho giao dịch dầu mỏ

Những hợp đồng này sẽ hợp pháp hóa và củng cố tiến trình bán dầu cho Trung Quốc trả bằng đồng nhân dân tệ mà Nga bắt đầu thực hiện vào năm 2014, sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tính đến tháng 12/2018, khối lượng giao dịch hàng ngày ở sàn Thượng Hải đã lên tới 500.000 hợp đồng. Mỗi hợp đồng bao gồm 1000 thùng dầu và khối lượng giao dịch đã tăng gấp đôi trong 6 tháng qua.

Điều này khiến cho khối lượng giao dịch dầu của sàn Thượng Hải đã vượt qua cả sàn Dubai và gần bằng lượng giao dịch dầu Brent Biển Bắc.

Sự tăng trưởng giao dịch dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ đến từ nhu cầu năng lượng ngày càng đi lên của Trung Quốc. Nước này chính thức vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vào năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2018, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 8% so với năm trước đó.

Mặc dù sự phát triển của châu Á khiến cho nơi đây trở thành trung tâm của thị trường giao dịch dầu thô thế giới, nhưng hai tiêu chuẩn chính được sử dụng vẫn là dầu WTI (West Texas Intermediate), giao dịch tại New York, và dầu Brent Biển Bắc, vốn được giao dịch chủ yếu ở London và định giá bằng đồng bảng. Các nhà đầu tư cũng thường giao dịch dầu chủ yếu ở Mỹ và châu Âu vì sự minh bạch và tính thanh khoản.

Mặc dù vậy, với tham vọng thay đổi cấu

graph_1
Khối lượng giao dịch dầu thô tại sàn Thượng Hải so với số lượng giao dịch các loại dầu WTI và Brent. Đồ họa: Nikkei Asian Review.

 

trúc thị trường dầu thô thế giới, chính phủ Trung Quốc quyết định mở cửa và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch dầu thô trên sàn Thượng Hải.

Việc giao dịch dầu qua đồng nhân dân tệ sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu để Trung Quốc thoát khỏi sự thống trị của đồng dollar trên thị trường. Vào tháng 11/2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran và kêu gọi các nước khác ngừng mua dầu từ Tehran, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu từ quốc gia này.

Kinh tế trưởng của tập đoàn Dầu mỏ, Khí đốt và Kim loại Quốc gia Nhật Bản, ông Takayuki Nogami cho biết: "Với tư cách là quốc gia mua dầu nhiều nhất từ Iran, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu bằng đồng nhân dân tệ và kiểm soát biến động giá trên thị trường Thượng Hải".

Nga và EU tiếp bước

Nga từ lâu cũng đã cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào những đồng dollar dầu mỏ (petrodollar) và đang chấp nhận các thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh với một phần số dầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft và một số công ty năng lượng khác, khiến cho họ gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch bằng USD.

Phát biểu tại cuộc gặp cấp cao của Liên minh Kinh tế Á Âu hồi tháng 12/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi đã phê duyệt các kế hoạch quy mô lớn để hình thành một thị trường chung cho các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt và xăng". Với chương trình này, các nước trong khối bao gồm Nga, Kazkhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Belarus sẽ sử dụng đồng ruble của Nga làm tiền tệ chung trong giao dịch dầu mỏ.

Cùng thời điểm đó, EU cũng nhận thức được những rủi ro về sự phụ thuộc vào đồng petrodollar. Ủy ban châu Âu vào tháng 12/2018 đã tuyên bố có ý định thành lập một tiêu chuẩn đo lường dầu mỏ mới được định giá bằng đồng euro. Cơ quan này cho biết sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia và nhà đầu tư để tăng cường sự xuất hiện của đồng euro trong các giao dịch dầu mỏ.

Với việc cả Nga và Iran, hai quốc gia xuất khẩu dầu với khối lượng lớn cho thị trường châu Âu, đều đang gặp khó khăn với những biện pháp cấm vận của Mỹ, an ninh năng lượng của EU có nguy cơ bị đe dọa. Cao ủy EU về Khí hậu và Năng lượng, ông Miguel Arias Canete từng cảnh báo thị trường giao dịch dầu thô có thể sụp đổ vì sự bá quyền của đồng dollar.

Mặc dù vậy, đồng dollar vẫn đang là loại tiền tệ để thanh toán 99% giao dịch dầu thô ở thời điểm hiện tại, và sẽ rất khó để thay đổi hiện trạng này, vốn được thiết lập từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Việc giao dịch các hợp đồng dầu mỏ định giá bằng đồng nhân dân tệ đang gia tăng, nhưng chúng chủ yếu được thực hiện bởi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Các tập đoàn dầu khí và những công ty tài chính từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ vẫn giữ thái độ thận trọng với hoạt động giao dịch ở thị trường Thượng Hải. Hầu hết hợp đồng được giao dịch chỉ có khối lượng nhỏ, và số hợp đồng nổi bật chỉ bằng một phần mười so với thị trường Mỹ và châu Âu.

Một công ty giao dịch Nhật Bản cho biết dù có thể có lãi từ việc giao dịch hợp đồng dầu mỏ định giá bằng nhân dân tệ, rất khó để thu về số lãi này do những quy trình thu đổi ngoại tệ phức tạp.

Ý kiến của bạn

Bình luận