Ảnh minh họa |
Theo South China Morning Post, Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc vừa công bố một bài báo cho biết các nhà khoa học tại thành phố Thượng Hải đang phát triển một loại "đầu dò từ trường siêu dẫn khác thường" và đã vượt qua được vòng kiểm định của một đội ngũ các chuyên gia.
Đầu dò này có thể được dùng để xác định các khoáng sản ở sâu trong lòng đất tại khu vực Nội Mông (Trung Quốc) với mức độ chính xác cực kì cao. Ngoài ra, nó cũng có thể được dùng để chế tạo ra các máy dò gắn trên nhiều loại máy bay dân sự và quân sự như là "một thiết bị hiệu suất cao và một giải pháp kỹ thuật hiệu quả để lập bản đồ tài nguyên thiên nhiên, khảo cổ học và quốc phòng".
"Quân đội Trung Quốc sẽ sớm sử dụng công nghệ này", Trương Chí, một chuyên gia tới từ Đại học Địa chất Trung Quốc cho biết, "Công nghệ này có thể được dùng để phát hiện các khoáng sản trong mặt đất và những tàu ngầm ẩn sâu dưới đại dương".
Thực tế, các loại máy bay chống tàu ngầm được trang bị "máy dò từ trường khác thường" (MAD) đã xuất hiện từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2. Về cơ bản, máy dò sẽ theo dõi những tác động nhỏ do các vật thể kim loại gây ra đối với từ trường Trái Đất, sau đó, phân tích dữ liệu và sử dụng những thuật toán phức tạp để tìm ra vị trí của mục tiêu.
Tuy nhiên, sẽ rất khó có thể tìm ra được vị trí chính xác vì tín hiệu từ trường sẽ giảm rất nhanh khi mục tiêu đi xa khỏi vị trí của máy dò. Ngoài ra, máy bay sẽ phải bay thấp và chỉ dò tìm được vị trí của tàu ngầm đang ở gần mặt nước nên sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, độ mạnh của tín hiệu từ trường cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, ví dụ như chất liệu của vỏ tàu ngầm.
Theo tiến sĩ Lôi Trùng, một trợ lý nghiên cứu tại Đại học Giao thông Thượng Hải cho biết, máy dò sử dụng "đầu dò từ trường siêu dẫn khác thường", hay còn gọi là MAD siêu dẫn do Trung Quốc chế tạo có ít nhất hai điểm khác biệt cơ bản so với các loại máy dò từ trường khác.
Đầu tiên, máy dò của Trung Quốc đã được trang bị một số lượng lớn đầu dò. Nhờ vậy, nó có thể thu thập nhiều dữ liệu hơn so với các loại máy dò truyền thống, vốn thường chỉ sử dụng một angten duy nhất.
Thứ hai, các nhà khoa học Trung Quốc đã trang bị cho máy dò một con chip máy tính siêu dẫn và được làm mát bằng ni-tơ lỏng. Môi trường siêu mát như vậy có thể giúp tăng cường độ nhạy của máy dò đối với những tín hiệu mà các loại máy dò thông thường sẽ không bắt được.
Nguyên mẫu của một máy dò MAD được các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra vào năm 2014.
Theo bài báo của Học viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc, công nghệ MAD siêu dẫn đã được phát triển trong suốt 4 năm qua bởi một nhóm do giáo sư Tạ Tiểu Minh tới từ Viện Công nghệ thông tin Thượng Hải dẫn đầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển 8 loại máy dò từ trường khác có kích thước và độ nhạy đủ để trang bị trên các vệ tinh.
Bài báo cũng cho biết thêm là đa phần các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, đều đang gặp vô số khó khăn trong việc phát triển những máy dò từ trường tương tự. Hiện nay, chỉ có Đức là một ngoại lệ hiếm hoi bên cạnh Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lôi Trùng lại cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghệ MAD như lời khẳng định của Học viện Khoa học Hàn lâm.
"Tôi đã thật sự ngạc nhiên khi họ đưa ra một thông báo như vậy. Thông thường, những thông tin kiểu này sẽ không được tiết lộ vì giá trị trong lĩnh vực quân sự của chúng", tiến sĩ Lôi Trùng nói, "Quân đội Mỹ có thể đã phát triển được loại thiết bị tương tự nhưng lại giữ im lặng. Vì vậy, không thể so sánh nước này với nước khác về loại công nghệ nhạy cảm này chỉ bằng những thông tin được công khai".
"Ngoài ra, việc chuyển đổi từ một thiết bị dò tìm khoáng sản sang một máy dò tàu ngầm cũng đòi hỏi nhiều công sức. Lĩnh vực quân sự có những yêu cầu khác rất xa so với lĩnh vực dân sự", tiến sĩ Lôi cho biết thêm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.