Trung Quốc: Phụ huynh mạnh tay đầu tư cho con học lập trình, robot

Ứng dụng 05/01/2017 09:15

3.000 USD học phí, 350 USD cho một bộ người máy Lego, 7.300 USD để thi kỹ năng tại Mỹ là những gì các bậc phụ huynh Trung Quốc phải chi cho con em mình khi theo học các lớp khoa học, công nghệ.

 

Phụ huynh mạnh tay chi tiền cho con học lập trìn
Học sinh chơi với robot ở Hồng Kông. Ảnh: Bloomberg

Xuất phát với ý tưởng trẻ cần được giáo dục sớm để thắng thế trước robot, các bậc phụ huynh Trung Quốc đang chi mạnh tay cho con em của mình. Số tiền nói trên là những gì Zhuo Yu chi cho con trai 10 tuổi học STEM, kiến thức tổng hợp giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Mô hình có nguồn gốc từ Mỹ đang tạo ra cơn sốt tại quốc gia đông dân nhất thế giới, nơi 10 triệu học sinh đang theo đuổi STEM. Con số dự kiến tăng lên 50 triệu vào năm 2020 khi cha mẹ muốn cho con cái khởi đầu tốt trong lập trình và robot, theo hãng tư vấn giáo dục JMD Education. Công ty dự đoán nhu cầu có thể tạo ra ngành công nghiệp phục vụ STEM trị giá 15 tỷ USD tại đây, vốn đã thu hút được các công ty như Pearson, Lego và Sony.

Zhuo, bà mẹ làm trong lĩnh vực Internet, cho biết không có mức trần ngân sách nào cả. Dù phải đầu tư nhiều cho việc học tập của con, cô nói phải có tầm nhìn dài hạn và nhìn vào cơ hội khi con 18 tuổi. Con trai của cô, Wang Yizhuo, sẽ gia nhập một trong các thị trường việc làm cạnh tranh nhất hành tinh khi tốt nghiệp đại học. Đến năm 2030, Trung Quốc được dự báo có khoảng 200 triệu cử nhân, nhiều hơn toàn bộ lao động Mỹ. Đến nay, 40% học sinh cấp ba Trung Quốc đã có chứng chỉ STEM, trong khi tại Mỹ và Pháp là chưa đầy 20%.

Lo lắng về nghề nghiệp tương lai khiến ít nhất 500 tổ chức và startup cho ra đời nhiều chương trình đào tạo sau giờ học về lập trình, người máy và in 3D, theo Wen Jing, nhà nghiên cứu của JMD Education. Đây là một ngành có rất ít sự giám sát hay quy định. Xiao Dun, đồng sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến 17zuoye.com, nhận định điều đó cũng đồng nghĩa cha mẹ phải “bơi” trong một biển lựa chọn, từ các nhà cung cấp hợp pháp đến những kẻ lừa đảo. 17zuoye.com đang giới thiệu các khóa học từ Minecraft và Sony Global Education. Nhiều ông bố bà mẹ giàu có háo hức chi tiền cho con em mình theo STEM.

Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân đang giúp lấp đầy khoảng trống mà giáo dục nhà nước để lại. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đứng sau ít nhất 16 nước tại châu Âu và Mỹ trong việc đưa lập trình, robot vào chương trình giảng dạy của nhà trường.

Nora Yeung, nhà sáng lập Creative Coding tại Hồng Kông, cho rằng lập trình sẽ trở thành kỹ năng cần thiết cơ bản cho tương lai, tương tự như các kỹ năng ngoại ngữ hay đọc viết khác. “Chúng ta cần chuẩn bị cho trẻ em về các công việc còn chưa tồn tại”.

2 Phụ huynh mạnh tay chi tiền cho con học lập tr
Một em học sử dụng máy tính bảng để điều khiển robot. Ảnh: Bloomberg

Bắc Kinh đang thử nghiệm phúc lợi trợ giá 60 USD/năm/đứa trẻ để gây quỹ cho các chương trình bồi đắp sáng tạo. Dù vậy, đây vẫn là món tiền nhỏ khi học phí lên đến 50 USD/giờ tại thủ đô. Chi phí có thể tiếp tục tăng lên nếu nhìn vào xu thế của Singapore, nơi giá trị của giáo dục lấy STEM làm trọng tâm đã được nhìn nhận nhiều năm. “Đảo quốc sư tử” đứng đầu trong khảo sát giáo dục toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về khoa học, đọc, toán học và cộng tác xử lý vấn đề.

Ana Ow cho biết cô trả khoảng 300 USD cho 5 khóa học robot cho con trai 8 tuổi, mức học phí rẻ nhất có thể tìm được ở Singapore. Ow, người bắt đầu gửi con đến các trại hè lập trình và robot 3 năm trước, tự xem mình là một người “mẹ hổ” và nhận thức rõ những tiến bộ công nghệ là mặt trận mới.

Quan điểm của Ow cũng là quan điểm của nhiều phụ huynh trên toàn cầu. Tháng 1 năm nay, Tổng thống Barack Obama cam kết dành 4 tỷ USD tài trợ cho khoa học máy tính tại trường học. Theo thống kê của Bộ Lao động, có 1,02 triệu nhân viên lập trình tại Mỹ năm 2012, ước tính tăng 22% vào năm 2022 do nhu cầu lớn về phần mềm.

Với Zhuo Yu, cho con tham gia vào các kỳ thi là một trong những cách để đánh giá và khuyến khích con học hỏi. “Nó cho thấy sự quan tâm thực sự về robot, vì vậy chúng tôi nói “sao không thử xem con đứng đâu qua một vài vòng thi”, Zhuo kể lại. “Bởi các cuộc thi luôn đi cùng áp lực, nó buộc con phải nghĩ liệu có muốn bỏ ra thêm nhiều thời gian cho nó hay không”.

Yu không kỳ vọng gì lúc đầu. Con trai của cô dành nhiều giờ sau khi lên lớp để làm bài và ngày càng kiên trì ứng dụng những gì học được vào các dự án robot. Điều đó giúp em hợp tác tốt hơn với bạn khác và cả nhóm đứng thứ 4 trong cuộc thi RoboRave của Intel tài trợ. Cuộc thi bắt đầu từ năm 2001, thu hút học sinh từ nhiều nước tham gia như Mexico, Đức, Ấn Độ.

Một em học sử dụng máy tính bảng để điều khiển rob
Học sinh học lắp ráp người máy. Ảnh: Bloomberg

Tuy vậy, Reynold Ren, người dạy lập trình cho hơn 1.400 học sinh tại Bắc Kinh trong năm nay, cho rằng cạnh tranh không phải lúc nào cũng tốt. Anh từng được nhiều trường tiếp cận để giúp họ chiến thắng bằng mọi giá. Theo anh, mọi chuyện nên dựa vào sở thích chứ không phải cạnh tranh để học sinh nâng cao cơ hội vào được các trường tốt hơn.

Còn với Jasen Wang, nhà sáng lập Makeblock, học phí và các bài học STEM thiên về công nghệ đồng nghĩa với khoảng cách giàu nghèo được nới rộng. Makeblock là một trong các nhà cung cấp thiết bị giáo dục robot lớn nhất Trung Quốc. Các sản phẩm của họ có thể lên tới 800 USD.

“Tại những khu vực thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, rất khó để trường học đưa vào các chương trình đào tạo như vậy. Nó đòi hỏi đầu tư đáng kể và triển vọng có thể tệ hơn”, Wang nói.

Trong khi đó, Zhuo không can thiệp nếu con muốn tham gia vào nhiều cuộc thi hơn. “Khi nó lớn lên, thế hệ của nó cần phải sáng tạo hơn, tư duy độc lập hơn. Tôi không chắc các kỹ năng cụ thể cần thiết, tất cả những gì tôi làm là trang bị cho nó kỹ năng cơ bản để gia tăng cơ hội”, bà “mẹ hổ” Trung Quốc chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận