Trung Quốc quyết qua mặt Mỹ về khoa học vũ trụ

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Ứng dụng 02/04/2017 05:50

Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc có thể đang gặp nguy hiểm,nhưng tham vọng của Trung Quốc trong không gian vũ trụ không hề có dấu hiệu chững lại.

1640383

Ngoài việc cạnh tranh với NASA, chính phủ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến ngành công nghiệp không gian đang phát triển, để thách thức những công ty Mỹ như Blue Origin của Jeff Bezos và Space X của Elon Musk.

Theo CNBC, Mặc dù các nhà chức trách không gian Trung Quốc đã tuyên bố công khai về tham vọng tiến vào một không gian rộng lớn của đất nước này vào đầu những năm 2030, chính phủ Trung Quốc cũng đang cân nhắc cách chi tiêu ngân sách nhằm thúc đẩy các công ty công nghệ Trung Quốc đi theo các hướng đột phá về công nghệ như robot, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ khác của thế kỷ 21.

Phần lớn các tham vọng không gian của Trung Quốc vẫn tập trung thúc đẩy uy tín đất nước cả trong và ngoài nước. Nhưng với việc chính phủ tăng gấp ba ngân sách chi tiêu dành cho khoa học vũ trụ cũng như sự nổi lên của một nhóm nhỏ các nhà đầu tư không gian cho thấy cả ngành công nghiệp không gian và chính phủ Trung Quốc đều thấy lợi ích kinh tế lâu dài khi đầu tư vào công nghệ vũ trụ.

Việc tăng cường dòng vốn vào các công ty công nghệ không gian của cả nhà nước lẫn tư nhân ở Trung Quốc có thể gây áp lực lên NASA, và áp lực với cả các công ty không gian thương mại Mỹ và châu Âu.

Phóng nhiều vệ tinh bằng Nga và Mỹ

Mặc dù việc Trung Quốc sẽ chi tiêu bao nhiêu ngân sách cho các chương trình không gian, vũ trụ vẫn còn là bí mật, song nhiều nhà phân tích cho biết những năm gần đây Trung Quốc chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm, một con số nhỏ số tiền 19,3 tỷ USD mà Mỹ dành cho NASA năm 2016. Nhưng dù ngân sách tương đối nhỏ, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công.

Trước năm 2003, Trung Quốc chưa bao giờ đưa phi hành gia vào quỹ đạo. Nói thêm là chương trình không gian của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1950. Trong những năm sau đó, Trung Quốc nhanh chóng trở nên ngang hàng với Nga và Mỹ. Năm 2016, Trung Quốc lần đầu tiên đã phóng nhiều tên lửa hơn Nga, và đã phóng ra số tên lửa (22 tên lửa) bằng với Mỹ. Trong số những tên lửa này có Shenzou 11 (Thần Châu 11), mang theo hai phi hành gia lên quỹ đạo. Thần Châu 11 sẽ kết nối với Trạm thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 (Tiangong 2).

Những thành tựu trên, cùng với các tham vọng đưa cả robot và con người lên Mặt Trăng, Sao Hỏa của Trung Quốc đều rất đáng nói đến. "Điều đó cho thấy ngành không gian vũ trụ không chỉ do phương Tây và Mỹ thống trị", Tiến sỹ James Lewis, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói. "Đó là một cách để khẳng định sự độc lập của Trung Quốc và sự trở lại toàn cầu của họ, nó gửi đi một thông điệp: Chúng tôi có sức mạnh tuyệt vời".

Dù chương trình không gian của Trung Quốc vốn là việc các doanh nghiệp nhà nước làm để chứng tỏ sức mạnh công nghệ của đất nước, Trung Quốc hiện đang tìm cách để chương trình không gian này mang lại lợi ích kinh tế. Gần đây Bắc Kinh đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2017 ở mức 6,5% - mức thấp nhất trong 25 năm – cho thấy sự bùng phát kinh tế vốn kéo dài là do nguồn lao động giá rẻ và sản xuất cấp thấp, dường như đã đạt đến giới hạn.

Khuyến khích startup công nghệ cao

Mặc dù Trung Quốc có 43 start-up trị giá ít nhất là 1 tỷ USD, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn muốn nhiều hơn nữa, đặc biệt là những startup về CNTT. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tin rằng các tham vọng không gian của họ có thể mang lại động lực cho cả doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước, thúc đẩy các đột phá công nghệ, nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc và nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc.

Trong năm vừa qua, một số công ty khởi nghiệp không gian của Trung Quốc đã nổi lên, phần lớn nhờ sự hậu thuẫn của các trường đại học và các quỹ phòng hộ. OneSpace, công ty 2 năm tuổi, đang phát triển loại bệ phóng 59 tấn và sẽ ra mắt lần đầu tiên vào năm 2018. ExPace, được thành lập vào đầu năm ngoái, dự định sẽ bán tên lửa Kuaizhou chạy bằng nhiên liệu thể rắn dành để phóng các vệ tinh nhỏ vào Quỹ đạo. Landspace - ra mắt năm 2015 - tuyên bố sẽ có sản phẩm thương mại đầu tiên trong năm nay.

Với những startup này và sự hậu thuẫn của chính phủ, Trung Quốc đang tiến dần vào thị trường không gian vũ trụ. OneSpace dự định phát triển một tàu vũ trụ có người lái, và Landspace được cho là đã chế tạo một loại tên lửa có khả năng chạy bằng năng lượng mạnh, có thể cạnh tranh trực tiếp với SpaceX, Blue Origin hay Arianespace của Pháp.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho là đang tích cực chi tiêu vào các chương trình khoa học không gian, thách thức các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển những chất liệu mới, cảm biến và công nghệ mới. Chương trình 5 năm hiện nay (đến năm 2020) đã kêu gọi 5 dự án khám phá vũ trụ lớn, trong đó có dự án vệ tinh tìm kiếm vật chất tối được phóng lên vào tháng 12/2015 và một vệ tinh truyền dẫn lượng tử thực nghiệm được phóng lên hồi năm ngoái có thể mang đến các đột phá quan trọng trong ngành truyền thông và mật mã. Việc tiếp tục xây dựng các vệ tinh địa lý và vệ tinh quan sát trái đất cũng đang mang đến cho Trung Quốc nguồn dự trữ tiền tệ lớn, đó chính là dữ liệu.

Tham vọng lớn

Tiến sĩ Alanna Krolikowski, một nghiên cứu sinh thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Alberta, nói: "Những chương trình này là một phần tầm nhìn chiến lược toàn diện, chúng hoàn toàn là những chương trình có chủ ý và dài hạn nhằm chuyển đổi kinh tế và xã hội".

Bằng cách xây dựng mạng vệ tinh BeiDou (Bắc Đẩu), Trung Quốc có thể thu thập các loại dữ liệu mà các công ty có thể biến thành các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ cao. Tại Mỹ, các công ty như Planet Labs, Digital Globe, Spaceknow, và Orbital Insights đã tạo những biện pháp thu thập và xử lý hình ảnh vệ tinh thành dữ liệu có ý nghĩa mà họ có thể bán cho các công ty trên toàn thế giới. Thông qua các khoản đầu tư này, Trung Quốc cũng có thể trở thành nhà cung cấp các thông tin tương tự.

"Đây là một tầm nhìn thực sự về đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản trong các vệ tinh chòm sao", Krolikowski nói. "Những khoản đầu tư này rất hợp lý, tác động tốt đến nền kinh tế và những gì họ sẽ làm để nâng cấp cơ sở khoa học, công nghệ và công nghiệp ở Trung Quốc - thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế đổi mới mà chính phủ Trung Quốc đang hướng tới".

Mặc dù ngành công nghiệp vũ trụ là một phần trong tầm nhìn của Trung Quốc về quá trình chuyển đổi kinh tế, nhưng nó chỉ là một phần, ông Lewis nói. Phần lớn mong muốn chuyển đổi kinh tế của Bắc Kinh đã hiện rõ những khoản đầu tư khổng lồ vào các ngành công nghiệp công nghệ truyền thống, như là bán dẫn.

Ý kiến của bạn

Bình luận