Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch dự báo Trung Quốc sắp lần đầu vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương |
Theo CNBC, đây là nội dung được Fitch Ratings đưa ra trong thông cáo báo chí công bố hồi cuối tuần trước, giữa nhiều lo ngại về mức nợ cao trong nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Các trái phiếu này do các cơ quan tài trợ tài chính của chính phủ địa phương Trung Quốc (LGFV) phát hành. Đây là các cơ quan mà chính quyền địa phương thành lập để vượt qua các hạn chế về vay mượn.
Hiện có nhiều lo ngại về làn sóng vỡ nợ có thể xảy ra ở Trung Quốc vì nợ chính quyền địa phương lên cao. Điều này có thể ảnh hưởng đến các thị trường tài chính, có khả năng mở rộng thành làn sóng có sức lây lan trên toàn thế giới.
Các LGFV cũng vay mượn từ ngành ngân hàng ảo của Đại lục vì các kênh vay mượn chính thức cạn kiệt do chính sách hạn chế đòn bẩy từ chính phủ. Ngân hàng ảo là một nhóm các dịch vụ tương tự như dịch vụ của ngân hàng truyền thống, song lại nằm ngoài giới hạn của quy định ngân hàng thông thường và phần lớn không được kiểm soát.
Đến nay, chưa LGFV Trung Quốc nào vỡ nợ các trái phiếu được giao dịch công khai, song “đợt vỡ nợ đầu tiên ngày càng có thể xảy ra, có thể sẽ kích hoạt việc tái định giá thị trường”, Fitch cho biết. Cảnh báo của hãng được đưa ra sau khi S&P Global Ratings hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Trung Quốc xuống một bậc, từ AA- xuống A+, hồi tuần trước với lý do mức tăng tín dụng nhanh. Moody's Investors Service thì hạ xếp hạng tín dụng Đại lục hồi tháng 5.
Dù cảnh báo về khả năng vỡ nợ trái phiếu LGFV, Fitch cho hay rủi ro tổng thể có thể bị giới hạn nhờ quyền sở hữu và ảnh hưởng rộng của chính phủ lên toàn hệ thống tài chính. Fitch cho rằng giới chức Đại lục có khả năng ngăn ngừa vỡ nợ hệ thống.
Chính phủ trung ương Trung Quốc đã và đang cố gắng giải phóng LGFV khỏi bảng cân đối tài chính của khu vực công để kiểm soát rủi ro tài chính. Dù vậy, nợ LGFV vẫn tiếp tục tăng, với 4 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 605 tỷ USD, giá trị số trái phiếu LGFV được phát hành từ năm 2015 vẫn còn dư. Con số trên tương đương 5,4% GDP Trung Quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.